Tăng thuế thuốc lá nhằm giảm tỷ lệ hút thuốc và giảm thâm hụt ngân sách quốc gia |
Thuế thuốc lá ở Việt Nam còn thấp
Theo một số nghiên cứu của WHO năm 2020, tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ thuốc lá của Việt Nam ở mức 38,8%. Đây là mức thuế dưới trung bình so với các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình (59% giá bán lẻ) và bằng một nửa so với khuyến cáo của WHO (75% giá bán lẻ). Hiện nay, thuế thuốc lá Việt Nam nằm trong số thấp nhất trong các nước ASEAN (thấp thứ 3, sau Lào và Campuchia).
Ở Việt Nam, giá thuốc lá, thuốc lào thấp là nguyên nhân dẫn đến mức độ hút thuốc cao ở nam giới. Ngoài ra, thu nhập theo đầu người đã tăng lên đáng kể trong khi đó thì giá thực của các sản phẩm thuốc lá (sau khi điều chỉnh theo mức lạm phát) đã giảm nhẹ, càng làm cho thuốc lá trở nên dễ mua. Tại thị trường thuốc lá Việt Nam, có khoảng hơn 40 nhãn hiệu thuốc lá trong nước có giá chỉ từ 7.000-10.000 đồng/bao, đơn cử như: Thăng Long, Sài Gòn, Bastos vàng, Heirose đỏ…
Trong hội thảo Cung cấp bằng chứng về tác hại của thuốc lá và các giải pháp giảm tác hại đặc biệt là chính sách thuế, diễn ra tại Đà Nẵng ngày 24/7 vừa qua, ThS. BS. Nguyễn Tuấn Lâm, Chuyên gia của Tổ chức WHO tại Việt Nam cho biết: “Trong những năm gần đây, Việt Nam đã thực hiện điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với mặt hàng thuốc lá, nhưng tác động của mức tăng thuế đối với giá thuốc lá và tỷ lệ sử dụng thuốc lá là không đáng kể. Do vậy không đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc”.
Tăng thuế, tăng hiệu quả
Cách hiệu quả nhất để giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá là tăng giá thuốc lá thông qua tăng thuế. Theo WHO, khi giá thuốc lá tăng trung bình 10% sẽ làm giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá khoảng 4% tại các nước có thu nhập cao và 5% tại các nước có thu nhập trung bình và thấp. Biện pháp tăng thuế đặc biệt có hiệu quả đối với nhóm thanh, thiếu niên, ước tính khi giá thuốc lá tăng khoảng 10% thì sẽ giảm sử dụng thuốc lá khoảng 10% hoặc nhiều hơn ở nhóm người trẻ tuổi.
Theo ThS. Nguyễn Hạnh Nguyên, đại diện HealthBride Việt Nam, việc tăng thuế đối với thuốc lá góp phần ngăn ngừa tử vong sớm do hút thuốc và giảm tình trạng bần cùng hóa do chi phí y tế liên quan đến thuốc lá. Người dân Việt Nam sẽ được hưởng lợi thêm từ việc giảm hút thuốc lá thụ động, tăng năng suất của người lao động, cải thiện chất lượng cuộc sống của người hút thuốc và gia đình họ; đồng thời, có thêm nguồn thu thuế để đầu tư vào các chương trình xã hội và y tế cùng nhiều tác động tích cực khác của việc tăng thuế đối với thuốc lá.
Quyết định số 586/QĐ-TTg ngày 24/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về PCTHTL đến năm 2030 đã đề ra mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 36%, và giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nữ từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 1% vào năm 2030.
Để đạt được mục tiêu này, WHO khuyến cáo cần thay đổi chính sách thuế thuốc lá theo hướng: Bổ sung thuế tuyệt đối (để chuyển sang hệ thống thuế hỗn hợp) với mức đủ lớn và tăng thuế theo một lộ trình đều đặn để giá thuốc lá theo kịp mức tăng thu nhập và dần hướng tới mức thuế tối ưu là chiếm 75% giá bán lẻ để góp phần đạt mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá.
Phương án khuyến nghị này của WHO (đạt mức thuế tuyệt đối 15.000 đồng/bao thuốc và giữ nguyên mức thuế tỷ lệ 75% vào năm 2030) sẽ dẫn đến tỷ lệ hút thuốc giảm tương đối 13%. Tỷ lệ hút thuốc lá ở nam và nữ sẽ giảm xuống dưới 36% và 1.0% tương ứng vào năm 2030, qua đó sẽ đạt được các mục tiêu Chiến lược quốc gia về PCTHTL Việt Nam. Phương án này, sẽ làm giảm đáng kể tổng số người hút thuốc, ước tính giảm khoảng 696.000 người vào năm 2030. Các mức này cũng sẽ làm tăng doanh thu thuế (đã điều chỉnh theo lạm phát) hàng năm lên 169%, tương ứng với việc thu thêm 29,3 nghìn tỷ đồng mỗi năm thuế từ thuốc lá so với năm 2020.