Du khách xuống thuyền nghe ca Huế trên sông Hương |
Cách đây chưa lâu, đích thân Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đã đi thị sát dich vụ ca Huế trên sông Hương. Tại buổi thị sát, thông điệp mà ông Nguyễn Thanh Bình gửi đến các đơn vị quản lý là: Phải “giám sát quyết liệt, xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm, để phát huy giá trị đặc sắc của ca Huế”.
Những sai phạm mà lãnh đạo tỉnh lưu ý ở đây là tình trạng biểu diễn ca Huế thiếu ca sĩ, không đủ nhạc cụ theo quy định; cắt bớt chương trình, bài bản đã đăng ký; chèo khéo khách, ghép khách; đậu đỗ thuyền không đúng nơi quy định; ép du khách mua hoa (tặng nghệ sĩ), mua đĩa ghi âm các bài bản ca Huế...
Trước đó, tháng 5/2024, một quy chế mới nhằm đưa hoạt động ca Huế trên sông Hương vào nền nếp đã được ban hành, với các quy định cụ thể, từ yêu cầu số lượng ca sĩ, nhạc công trong mỗi suất diễn đến quy định số lượng, các bài bản “đinh” phải có trong một chương trình ca Huế. Theo đó, quy chế yêu cầu không được tự ý thay đổi nội dung chương trình đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận, giảm thời lượng, thay đổi bài hát, rút ngắn lời dẫn làm ảnh hưởng chất lượng chương trình biểu diễn ca Huế. Không ghép khách lẻ vào khách đi theo đoàn khi tổ chức biểu diễn ca Huế trên sông Hương. Không thực hiện các dịch vụ, bán vé lẻ nghe ca Huế ngoài phạm vi đăng ký kinh doanh... Để hỗ trợ công tác quản lý, quy chế mới này bổ sung thêm quy định, các thuyền du lịch có hoạt động tổ chức biểu diễn ca Huế phải lắp đặt từ 2 đến 3 camera giám sát, kết nối với cơ quan quản lý khi tham gia hoạt động biểu diễn…
Bán hoa cho du khách tặng nghệ sĩ-một trong những dịch vụ "ăn theo" ca Huế trên sông Hương |
Dĩ nhiên, có chệch choạc, có sai phạm thì phải có biện pháp chấn chỉnh. Nhưng điều đáng buồn là cách đây gần 30 năm, với công việc một phóng viên phụ trách thông tin lĩnh vực văn hóa, có điều kiện tiếp cận và tác nghiệp, tôi nhận thấy, qua hàng chục năm, những bất cập, những sai phạm từ ca Huế trên sông Hương vẫn y như cũ. Cùng với chừng đó thời gian, không biết bao nhiêu cuộc họp, bao nhiêu diễn đàn, bao nhiêu cuộc kiểm tra xử lý vi phạm, bao nhiêu lần thay đổi, bổ sung quy chế... đã được tiến hành, nhưng rồi câu chuyên ca Huế trên sông Hương vẫn là “chuyện cũ nhắc lại”.
Ca Huế là loại hình âm nhạc diễn xướng đặc biệt, hình thành từ đời sống âm nhạc cung đình dưới Triều Nguyễn, đến nay có tuổi đời hàng trăm năm, cùng tên tuổi của Ưng Bình Thúc Dạ Thị; các thế hệ nghệ nhân Minh Mẫn, Thanh Hương, Trần Kích, Lữ Hữu Thi, Thanh Tâm..., đã làm rạng danh Nam Ai, Nam Bình; hò mái nhì, mái đẩy... Thế nhưng, thật đau lòng, từ khi ca Huế xuống sông Hương để làm dịch vụ, di sản ca Huế dần “biến tướng”, trở thành “chợ ca Huế”.
Ngay cả chuyện sân khấu cho ca Huế trên sông Hương - là những chiếc thuyền rồng tận dụng từ các thuyền chở cát sạn được chuyển đổi mục đích sử dụng lâu nay với tiếng máy nổ “nhức óc”, cần phải thay thế nhưng dù đã được đặt ra cấp thiết hàng chục năm qua, đến nay vẫn như cũ.
Mệt mỏi. Đó là tâm trạng chung của những ai còn nặng lòng với ca Huế khi chứng kiến những biện pháp chấn chỉnh công tác quản lý ca Huế trên sông Hương mấy chục năm qua mới dừng lại ở phần ngọn xử phạt và chưa đạt được kết quả như mong muốn.
Đã đến lúc, cần phải đặt vấn đề một cách quyết liệt hơn là nên giữ hay dẹp ca Huế trên sông Hương? Đã đến lúc cần cân đo đong đếm giữa bài toán kinh tế mà ca Huế trên sông Hương đem lại, tai tiếng mà ca Huế trên sông Hương gây ra, với việc bảo tồn, gìn giữ một di sản độc nhất, vô nhị như ca Huế?
Nếu giữ, cần phải có một cuộc “đại phẫu” thực sự với những giải pháp đồng bộ, tận gốc để chữa lành những tổn thương, những sứt mẻ mà ca Huế đã chịu đựng trên sông Hương bấy lâu nay. Bằng không, xin đừng kéo dài thêm nỗi đau của ca Huế. Và đau lây cả tiếng thơm của miền di sản Hương Ngự.