Các em học sinh soạn sách vở đã học xong trao tặng cho những em có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: MC |
Khi biết tôi gói sách chuẩn bị mang đến nhà chị Thắm, Cà Chua - con gái tôi cũng háo hức muốn góp sức một tay. Con bé cứ dặn mẹ, đợi vài hôm rồi hãy mang sách sang nhà bạn Bin - Bin là con trai của chị Thắm. Một bữa tôi đi làm về, vậy mà thấy ở góc nhà chất cả chục bộ sách giáo khoa cũ. Con gái hào hứng khoe: “Đây là sách của Cún với chị gái, đây là của Bi với em trai, đây là của Én... Mấy bạn nghe con nói gom sách giáo khoa cũ để tặng nên đều mang tới góp”. Ngoài sách giáo khoa, bọn trẻ còn xin bố mẹ góp thêm truyện cổ tích, truyện tranh của mình. “Bạn Cún còn viết một lá thư nhỏ kẹp trong cuốn truyện tranh này đó mẹ, còn ghi cả địa chỉ nhà. Mẹ nghĩ khi người bạn nhận được cuốn sách này, có hồi âm bức thư của Cún không? Bọn con đã hẹn nhau đến lúc nhận được thư hồi âm, chúng con sẽ cùng nhau trả lời. Mỗi người sẽ viết một câu”. Cà Chua vừa háo hức kể chuyện, vừa vui vẻ ngồi xếp lại chồng sách truyện các bạn đã mang đến. Bỗng dưng, tôi cũng như bọn trẻ, thấy háo hức mong chờ một cánh thư ngọt ngào nào đó trong tương lai.
Tôi nhớ dì Hiền ở ngay đầu xóm mình. Một lần ra đổ rác, tôi vô tình nhìn thấy dì đang nhặt bao giày cũ ai đó vừa bỏ đi. Có lẽ nhà họ vừa dọn dẹp tủ giày, nên những đôi giày có nam, có nữ, có cả giày dép trẻ con không còn dùng đến đều bị gom vứt. Dì Hiền nói, giày chưa hư, nhưng để lâu bám bụi nên nhìn cũ kỹ vậy, chứ giặt sạch, phơi nắng cho khô ráo là đi vẫn còn tốt. Tôi hỏi dì ở một mình, nhặt về cho ai? Dì cười, bảo bao nhiêu người không có giày để mang, bỏ phí lắm. “Mình không cần chứ nhiều người vẫn còn khó khăn lắm cháu, không mua nổi đôi giày thể thao như vầy để đi đâu, cả những đôi giày sandal này nữa. Nhiều đứa trẻ ở nông thôn hoặc vùng cao, đến dép cũng không có để mang đến trường, làm gì có giày để đi”.
Hôm sau khi tôi ngang qua nhà dì, thấy dì Hiền đang ngồi ngoài sân giặt đống giày cũ dì nhặt hôm trước. Dì nói, sau khi giặt sạch, phơi khô ráo, thơm tho, mỗi đôi giày đều được dì bỏ trong từng túi zip đàng hoàng. Thông qua người quen, mạng xã hội, biết ở đâu đang cần, hoặc hội nhóm nào đang có nhu cầu nhận quần áo, giày dép từ thiện là dì gửi đến.
Ai đó đã từng nói rằng, làm việc thiện, giúp đỡ người khác, chỉ cần tùy vào tâm của mình, không cần phải đợi đến lúc đủ khả năng, dư tiền bạc mới giúp. Dù nghèo tiền bạc, nhưng rộng tấm lòng, giúp người khác ngay cả khi mình chưa dư dả mới đáng quý. Giống như chị Thắm, như dì Hiền, những con người bình dị mộc mạc, nhưng thầm lặng gom góp những yêu thương giữa đời.