Bát xôi bắp chỉ có năm ngàn đồng mà đầy ứ. Những hạt bắp trắng ngà, bên trên rải mấy lát khoai lang vàng nhạt, điểm thêm ít muối mè và chừng muỗng dầu phi thơm phức.

O bảo nhà ở tận Kim Long, đạp vòng vèo khắp phố mà mới vơi được phân nửa. “Bây chừ nhà mô cũng khá hơn nên món bắp ni ế lắm”, o phân trần.

Nhâm nhi từng muỗng xôi bắp trong một ngày chớm lạnh thất thường, lại nhớ những bữa xôi bắp thay cơm ngày bé. Trong khu vườn rộng, mẹ trỉa rất nhiều bắp. Mùa thu hoạch, bắp khô được buộc nguyên trái, treo lên gác bếp, phòng khi giáp hạt. Những ngày đông lê thê, chúng tôi quây quần bên bếp lửa to, thi nhau lẩy bắp. Vừa làm, vừa nghe mẹ kể chuyện cổ. Mẹ chỉ học hết lớp 5. Lớn lên lúc chiến tranh khó khăn, bây giờ nghĩ lại, tôi vẫn không hiểu được là mẹ đã đọc sách khi nào mà biết rất nhiều. Từ cô Tấm chui ra từ qủa thị cho đến cậu bé A La Đanh với cây đèn thần…

O bán bắp bảo, để nấu được gánh bắp khó lắm. Phải chọn bắp cồn Vĩ Dạ mới mềm, dẻo và ngon. Bắp khô được ngâm qua đêm trong nước ấm, rồi nấu lên thật sôi. Phải dùng chiếc rá to, chà xát mạnh bằng nùi rơm để bắp bong hết lớp vỏ bên ngoài trước khi được đãi sạch. Để bắp mềm và trắng, phải chần qua nước vôi ăn trầu pha loãng, sau đó xả sạch, rồi nấu thêm mấy bận nữa, cho đến khi bắp nhừ, mềm, dẻo như xôi. Có lẽ vậy mà nón bắp được kèm thêm từ xôi, xôi bắp.

Các phụ gia đi kèm cũng khá cầu kỳ với khoai lang hấp chín, bỏ vỏ, giã tơi, trộn với đậu xanh. Đậu cũng phải hấp kỹ lưỡng, sao cho vừa chín tới nhưng không bị ướt hay quá khô. Khoai và đậu được gói chặt, nén kỹ trong một bọc vải, tạo thành khối nhỏ, được thái từng lát mỏng, rải lên mặt bát bắp, kèm thêm muỗng muối mè hay đạu phộng giã nhỏ, thêm muỗng đường và một ít dầu phộng phi hành. Khi trộn đều, bát bắp dậy lên vị thơm dễ chịu…

“Nhiều hôm ế quá, tui đem về cho cả nhà ăn thay cơm. Tính không bán nữa nhưng con sắp vô học chưa có tiền mua sách vở, nên phải liều mà làm…” O thủ thỉ, trước khi rời xe đi xa, với rổ bắp to đèo phía sau, đậy tấm lá chuối xanh chấp chới.

Không biết do trời làm giông hay câu chuyện của o bán bắp mà trưa ấy thật khó ngủ. Tôi buột miệng kể cho con nghe những bữa xôi bắp trừ cơm thời thơ ấu. Cậu bé nhíu mày, không mấy hào hứng.

Có lẽ phần lớn bọn nhóc thời nay đều thế. Không muốn nghe nhiều chuyện ôn nghèo, kể khổ. Với chúng, những buổi ngao du siêu thị, nhà sách, bể bơi… và những trò trên mạng với hai từ “hưởng thụ” hấp dẫn hơn nhiều.

Nhật Nguyên