Giới thiệu, tư vấn về ngành nghề đào tạo, chính sách và cơ hội việc làm khi ra trường |
Cập nhật ngành nghề phù hợp
Tốt nghiệp ngành công tác xã hội, Lê Độ Huy, ở TP. Huế phải mất hơn một năm "nhẩn nha" do không tìm được công việc đúng chuyên môn. Để có việc tạm thời, Huy xin vào làm ở một khách sạn nhỏ ở Huế. Tuy nhiên, tính chất công việc yêu cầu Huy phải học thêm một lớp nghiệp vụ nhà hàng, khách sạn. Thế là, em vừa làm vừa học trình độ sơ cấp. Độ Huy chia sẻ: "Tạm thời là vậy, nhưng để làm tốt và duy trì ổn định công việc, em sẽ đăng ký học lớp nghề nâng cao trình độ trung cấp hoặc cao đẳng".
Tình trạng ra trường làm trái ngành, hoặc không xin được việc làm do ngành học không đáp ứng nhu cầu đơn vị tuyển dụng vẫn còn nhiều. Ngay cả số lượng đầu vào ở các cơ sở GDNN vẫn thấp. Năm 2024, toàn tỉnh đặt mục tiêu tuyển sinh, đào tạo nghề cho 17.000 học viên ở các cấp trình độ, đạt tỷ lệ lao động qua đào tạo 72,5%. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh chỉ tuyển sinh được hơn 8.400 người, đạt khoảng 50% so với kế hoạch. Để đáp ứng đầu vào cũng như đầu ra, công tác tư vấn, cập nhật ngành nghề mới cho học sinh, người lao động lựa chọn học phù hợp với năng lực, sở trường, nguyện vọng của bản thân và nhu cầu nhân lực của thị trường lao động là rất cấp thiết.
Đại diện Phòng Giáo dục nghề nghiệp - Sở LĐTB&XH cho rằng, các em học sinh có thể tham gia học nghề khi vừa tốt nghiệp chương trình THCS và tốt nghiệp THPT vào học các trình độ GDNN. Người lao động có thể học các ngành nghề có thời gian đào tạo ngắn hạn để vào làm việc tại các doanh nghiệp phù hợp. Đặc biệt, một số trường tổ chức đào tạo hàng chục ngành nghề hệ trung cấp và cao đẳng, liên quan đến các ngành nghề về kỹ thuật, công nghệ, bảo dưỡng, sửa chữa lắp ráp các thiết bị chính xác, cơ điện tử, các nghề thuộc lĩnh vực tự động hóa, du lịch, dịch vụ phục vụ chất lượng cao... Ngoài ra, các trường còn liên kết với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong ngoài tỉnh, ngoài nước đảm bảo giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên khi tốt nghiệp ra trường.
Bắt kịp nhu cầu
Vừa qua, Trường cao đẳng Nghề Thừa Thiên Huế, Trường cao đẳng Sư phạm Thừa Thiên Huế đã sáp nhập vào Trường cao đẳng Giao thông Huế và đổi tên thành Trường cao đẳng Huế. Việc tổ chức lại 3 trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh nhằm rà soát, sắp xếp mạng lưới cơ sở GDNN địa phương theo hướng đồng bộ, tập trung, tinh gọn, cơ cấu hợp lý cả về trình độ và ngành nghề đào tạo, gắn kết cơ sở đào tạo với doanh nghiệp và thị trường lao động, với các cơ sở GDNN của Trung ương và các trường đại học trên địa bàn tỉnh, đáp ứng cả về số lượng và chất lượng.
Ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH cho biết, ngoài đầu tư về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, các cơ sở GDNN trên địa bàn đang tiếp tục điều chỉnh, bổ sung, cải tiến chương trình, giáo trình để sản phẩm đào tạo của mình đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, của thị trường lao động trong xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng và trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; trong đó, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có kiến thức, có kỹ năng nghề nghiệp, có ý thức trách nhiệm để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trước mắt lẫn lâu dài, khắc phục một bước tình trạng "thừa thầy thiếu thợ" hiện nay và giữ vững an sinh xã hội.
Một khi tỷ lệ lao động có việc làm phù hợp với kỹ năng nghề và trình độ đào tạo tăng sẽ tạo đột phá về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần nâng cao các tiêu chí đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025 theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.