Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình phát biểu tại hội nghị |
Công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS được đẩy mạnh trong những năm gần đây. Sở GD&ĐT đã triển khai sâu rộng cho đội ngũ cán bộ quản lí và giáo viên toàn ngành các văn bản liên quan đến công tác phân luồng; tổ chức các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh về giáo dục hướng nghiệp theo định hướng phát triển nhân lực của tỉnh. Tỉ lệ phân luồng trong 3 năm học trở lại đây có sự chuyển biến, năm học 2023-2024 đạt trên 22%.
Tuy nhiên, công tác phân luồng theo Đề án 522 của Chính phủ vẫn gặp nhiều hạn chế do tâm lý của người học và phụ huynh “chuộng” học tiếp lên đại học hoặc ở nhà tham gia lao động khi chưa qua đào tạo.
Về công tác quản lý chất lượng GDTX, việc duy trì số lượng tại các cơ sở trường dạy nghề có học viên theo học chương trình GDTX hiện đang có tình trạng suy giảm sau một thời gian nhập học. Kết quả học tập của nhóm học viên theo học chương trình GDTX của các cơ sở trường dạy nghề hiện chưa cao.
Lãnh đạo các địa phương đề xuất các giải pháp thực hiện phân luồng sau trung học cơ sở |
Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của các cơ sở GDTX còn thiếu và lạc hậu, chưa có nguồn lực để trang cấp. Để thực hiện việc dạy văn hóa cho học viên vừa học văn hóa vừa học trung cấp, nhiều trung tâm phải hợp đồng thêm giáo viên nên việc bồi dưỡng thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới chưa được thường xuyên, khó khăn trong công tác quản lí. Việc bố trí giáo viên vẫn còn bất cập.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh, việc tổ chức thi tuyển vào lớp 10 đã triển khai được 3 năm nên hội nghị là dịp để đánh giá kết quả, những hạn chế, từ đó rút kinh nghiệm, có giải pháp nâng cao chất lượng; đồng thời, tổ chức hướng nghiệp hiệu quả, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của tỉnh. Chất lượng và điều kiện cơ sở vật chất của các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên cũng cần có sự đầu tư tốt hơn để thu hút người học, tạo điều kiện cho những học sinh không thi đỗ vào lớp 10 công lập có điều kiện đi học thuận tiện, có nghề nghiệp ổn định.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh lưu ý, kết quả thi cho thấy, chất lượng của các khu vực không đồng đều nên cần có giải pháp để nâng cao năng lực cho các cơ sở giáo dục và địa phương. Phân tích, đánh giá để các địa phương biết năng lực của học sinh tại các đơn vị. Trên cơ sở dữ liệu của các địa phương, ngành giáo dục cần có cơ sở dữ liệu để quản lý chung và triển khai thực hiện; nghiên cứu cách thức để đảm bảo tính công bằng và nâng cao năng lực cho học sinh, đảm bảo phù hợp trong triển khai thực hiện, có giải pháp điều chỉnh. Trong công tác hướng nghiệp, phân luồng, cần tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân…