Các nghệ sĩ múa đang luyện tập“Gánh hàng rong xứ Huế” |
Ở Huế, hình ảnh các o, các mệ với đôi gánh trên vai đi khắp các con đường, hẻm nhỏ hay ngồi bên lề đường, góc phố đã quá quen thuộc - Những gánh hàng rong đã “gánh và làm nên một phần văn hóa ẩm thực” của xứ Kinh kỳ.
Sau thời gian thai nghén khá lâu, đầu năm 2024 “Gánh hàng rong xứ Huế” chính thức triển khai. Thơ của “người thơ” Hồ Đăng Thanh Ngọc được chính ông chọn lựa, chuyển thể và trực tiếp làm cố vấn kịch bản. Chỉ đạo nghệ thuật là NSND Bạch Hạc, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Thừa Thiên Huế. Tổng đạo diễn là nghệ sĩ Thanh Mãi, Hiệu trưởng Trường trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Thừa Thiên Huế. Tổng biên đạo nghệ thuật múa là nghệ sĩ Mai Trung, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Thừa Thiên Huế, nghệ sĩ múa Bạch Mai. Tác phẩm còn có sự tham gia của các biên đạo múa trẻ, như: Thế Phong, Bạch Mai, Phan Hoàng, Diệu Hy, Phan Tuần, Hoàng Vân, Ánh Hồng và gần 70 nghệ sĩ múa tuổi từ 20 - 40 đến từ Nhà hát Nghệ thuật Cung đình, Nhà hát Ca kịch Huế, Trường trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Thừa Thiên Huế.
Được chia thành 3 chương lớn, “Gánh hàng rong của mẹ” là chương mở đầu được các nghệ sĩ múa tái hiện nên khung cảnh sinh hoạt của người dân xứ Huế, xây dựng hình ảnh người mẹ gánh hàng tần tảo kiếm sống. Trên đôi vai gầy của mẹ không chỉ là đôi quang gánh, mà còn là hy vọng, là tương lai của gia đình, con cái. Hình ảnh căn cốt để “gánh hàng rong” trở thành nét đặc trưng, hình ảnh dân sinh quen thuộc của Huế, giúp Huế trở thành “xứ sở hàng rong” một thời, dễ thương, dễ mến.
Chương hai, khán giả được các nghệ sĩ đưa về thời chiến với “Tiếng rao giữa vòng địch”, thời kỳ khó khăn nhất của dân tộc. Dẫu loạn lạc, nguy hiểm, đạn bom, người phụ nữ Cố đô vẫn kiên cường với đôi gánh trên vai. Họ gánh “sự nghiệp sinh tồn của gia đình” một bên, ở bên còn lại để cho con tránh đi phần nào lửa đạn chiến tranh. Nhưng sự bất khuất, kiên trung ấy đi kèm với lòng yêu nước, trách nhiệm làm người. Đó là những bó truyền đơn được ngụy trang trong mẹt bánh, dưới yếm ngồi của con. Khi ấy, họ không chỉ gánh trên vai tương lai của bản thân, mà còn cả tương lai của đất nước. Ở họ tỏa sáng phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.
Kết thúc chiến tranh, Huế trở lại dáng vẻ yên bình cùng những lời rao đã đi vào câu ca, tiếng hát. Ẩm thực Cố đô được nâng lên thành nghệ thuật từ những mẹt bánh đi rong xưa. Bên cạnh đó, những gánh hàng rong vẫn theo các o, các mệ tỏa khắp ngõ, lối xứ Cố đô. Thành phố phát triển, đời sống người dân ngày càng hiện đại, các hàng quán cũng xuất hiện nhiều hơn, thế nhưng hàng rong vẫn còn đó, như một văn hóa riêng của xứ sở, như NSND Bạch Hạc nhận định: “Từ đòn gánh trên vai, người dân Huế đã làm nên nét văn hóa ẩm thực mà không nơi nào có được”.
Bao năm tháng trôi qua, gánh hàng rong vẫn ngược xuôi từ trong tinh sương cho đến hoàng hôn. Với nhà thơ Hồ Đăng Thanh Ngọc, hình ảnh ấy giản dị mang đến cho vùng đất này một sự bình yên vô cùng dễ thương và đáng quý. “Những bước chân của các thế hệ hàng rong xứ Huế bình dị, mưu sinh một cách lương thiện. Chính điều đó góp phần làm nên giá trị ẩm thực văn hóa Huế, góp phần xây dựng Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương”, nhà thơ Thanh Ngọc chia sẻ.
Hình thành từ năm 1994, Hội Nghệ sĩ Múa Thừa Thiên Huế có bề dày thành tích trong các hoạt động văn hóa nghệ thuật của Cố đô nói chung và các hoạt động múa nói riêng. |