Đốt rác, đặc biệt là đốt rác thải nhựa gây ra nhiều hậu quả xấu cho môi trường và con người. Ảnh minh họa: Báo Điện tử Chính phủ - Chuyên trang Thủ đô Hà Nội |
Một báo cáo toàn cầu đầu tiên về ô nhiễm nhựa được công bố trên tạp chí Nature đã xác định, Ấn Độ là nguồn phát thải rác lớn nhất và việc đốt rác là vấn đề nghiêm trọng hơn nhiều so với những suy nghĩ trước đây.
Những phát hiện này được đưa ra trước thềm của các cuộc đàm phán quan trọng hướng tới xác lập một hiệp ước toàn cầu về nhựa. Các nhà nghiên cứu hy vọng hiệp ước sẽ cung cấp thông tin tốt hơn cho các nhà hoạch định chính sách khi họ xem xét cách tốt nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng nhựa đang gia tăng.
Được biết, nhựa đã được tìm thấy trong tuyết trên đỉnh những ngọn núi cao nhất và cả dưới đáy đại dương xa xôi nhất. Đáng nói là những hạt nhựa nhỏ cũng được phát hiện có trong sữa mẹ.
Phần lớn nguyên nhân của những vấn nạn này là từ rác thải nhựa, có thể kể đến những mảnh nhựa lớn hơn như ống hút bị vất đi và phải mất rất nhiều thời gian để phân hủy, gây hại cho hệ sinh thái của nhiều thế hệ sau.
Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm nhựa nghiêm trọng tương đương cũng đã xảy ra khi đốt rác thải nhựa một cách không chính thức, chủ yếu ở các vùng nghèo không có giải pháp thay thế.
Nhà nghiên cứu Costas Velis từ Đại học Leeds (Vương quốc Anh) nhận xét: “Trước đây, chúng ta đã không nhận xét đúng và đủ về rác thải biển hay ô nhiễm nhựa”.
Giải mã vấn đề, nhóm các nhà nghiên cứu của ông Costas Velis đã dùng trí tuệ nhân tạo để tạo ra một bản kiểm kê toàn cầu chi tiết về ô nhiễm nhựa xuống đến cấp thành phố để hỗ trợ lập mô hình quản lý chất thải tại hơn 50.000 thành phố.
Ước tính có khoảng 52 triệu tấn rác thải nhựa đã thải ra môi trường vào năm 2020, gồm 43% là rác thải không đốt và 57% chỉ được đốt thô sơ ở các đám cháy ngoài trời, dọc đường hoặc tại bãi rác.
Theo ông Costas Velis, việc đốt rác không đúng cách và để nhựa cháy âm ỉ theo cách này không làm rác “biến mất” mà chỉ làm phát tán những mảnh nhựa nhỏ ra môi trường. Việc đốt rác thải nhựa cũng làm giảm chất lượng không khí và khiến người dân sống gần các khu vực đốt rác phải tiếp xúc với các chất cực kỳ độc hại được giải phóng khi nhựa cháy.
Tình hình đặc biệt nghiêm trọng khi nghiên cứu phát hiện ra rằng nguồn rác thải nhựa chính ở các quốc gia Nam Bán cầu là rác thải không được thu gom, với gần 1,2 tỷ người không có bất kỳ phương tiện nào khác để xử lý rác thải. Qua đây, cơ quan chức năng và các nhà nghiên cứu đòi hỏi sự chú ý ngay lập tức của tất cả các nước, với kỳ vọng được đặt lên các cuộc đàm phán hướng tới một hiệp ước toàn cầu về ô nhiễm nhựa dự kiến sẽ diễn ra tại Hàn Quốc vào cuối tháng 11 tới.