Tình trạng kháng thuốc kháng sinh là mối đe dọa đối với tất cả các quốc gia trên thế giới. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Trong đó, cuộc họp cấp cao thứ hai về kháng thuốc kháng sinh dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 26/9 tới, đây là sự kiện chính thức, tập trung vào sức khỏe trong Tuần lễ cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ). Trước đó hồi năm 2016, cuộc họp cấp cao đầu tiên của LHQ về kháng thuốc kháng sinh đã được tổ chức.  

Theo WHO, tình trạng kháng thuốc kháng sinh xảy ra khi vi khuẩn, virus, nấm và ký sinh trùng không còn phản ứng với thuốc, khiến bệnh nặng hơn và làm tăng sự lây lan của các bệnh nhiễm trùng khó điều trị, dẫn đến bệnh tật và tử vong.

Tổng Giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: “Kháng thuốc kháng sinh gây ra mối đe dọa cho một thế kỷ tiến bộ y tế, và có thể đưa chúng ta trở lại thời kỳ tiền kháng sinh, khi các bệnh nhiễm trùng điều trị được ngày nay có thể trở thành án tử”.

“Đây là mối đe dọa đối với tất cả các quốc gia ở mọi mức thu nhập, đó là lý do tại sao cần có một phản ứng toàn cầu mạnh mẽ, nhanh chóng và được phối hợp tốt ngay lập tức”, người đứng đầu WHO nhấn mạnh.

Đáng chú ý, khóa họp 79 Đại hội đồng LHQ diễn ra vào thời điểm quan trọng khi thế giới tiếp tục phục hồi sau đại dịch COVID-19, và thúc đẩy nỗ lực để đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) năm 2030.

Cũng theo cơ quan y tế của LHQ, mặc dù đã ghi nhận những bước tiến đáng kể, tiến độ hướng tới các mục tiêu y tế vẫn còn đi chệch hướng, và bị trầm trọng hơn do các cuộc khủng hoảng nhân đạo, xã hội và khí hậu đang diễn ra. Hàng triệu người vẫn thiếu sự tiếp cận đối với các dịch vụ y tế, điều này làm nổi bật mối liên hệ giữa y tế và phát triển bền vững.

“Những hệ thống y tế vững chắc, sự tiếp cận công bằng với các dịch vụ y tế, và công tác chuẩn bị ứng phó với đại dịch mạnh mẽ sẽ đóng vai trò rất quan trọng đối với một thế giới an toàn và khỏe mạnh hơn”, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định. Đồng thời cho rằng, cần khai thác sức mạnh của công nghệ số để thu hẹp khoảng cách trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế và xây dựng những hệ thống linh hoạt, trong đó có thể đáp ứng nhiều thách thức chồng chéo về sức khỏe trên thế giới, từ các đợt bùng phát, dịch bệnh và đại dịch cho đến tình trạng biến đổi khí hậu, cũng như gánh nặng của các bệnh không lây nhiễm.

LÊ THẢO

(Lược dịch từ WHO & UN News)