Chỉ số thể hiện hoạt động kinh tế của châu Âu giảm đi trông thấy. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN/Báo Tin tức |
Dữ liệu được S&P Global công bố đầu tuần này cho thấy, hoạt động kinh doanh của Khu vực đồng Euro giảm mạnh bất ngờ trong tháng 9, khi ngành dịch vụ vốn chiếm ưu thế của khối đang đi ngang và sự suy thoái trong sản xuất tăng tốc.
Andrew Kenningham, nhà kinh tế trưởng về châu Âu tại Capital Economics nhận định: “Sự sụt giảm lớn trong chỉ số PMI tổng hợp của Khu vực đồng Euro cho thấy nền kinh tế đang chậm lại đáng kể”.
Được biết, sự suy thoái trong hoạt động kinh doanh của khu vực này là do sự sụt giảm trong các đơn đặt hàng mới, suy giảm lòng tin… Kết quả là các công ty đã cắt giảm việc làm trong tháng thứ hai liên tiếp, tốc độ sa thải đạt mức nhanh nhất kể từ tháng 8/2020.
Xét riêng hai nền kinh tế hàng đầu, tại Đức, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của HCOB, đo lường hoạt động trong nhiều lĩnh vực, đã giảm từ mức 48,4 ghi nhận vào tháng 8 xuống còn 47,2 vào tháng 9, mức thấp nhất trong 7 tháng và thấp hơn mức kỳ vọng là 48,2. Nền kinh tế nước này đã suy giảm 1% trong quý 2 và cuộc khảo sát mới dự đoán tình hình suy giảm sẽ kéo dài trong quý III, đưa Đức vào diện suy thoái với 2 quý có kết quả xấu.
Cùng lúc, chỉ số PMI tổng hợp của Pháp chạm mức thấp nhất trong 8 tháng qua, là 47,4 ghi nhận trong tháng 9, tức giảm sâu so với mức 53,1 của tháng 8 và thấp hơn kỳ vọng ở mức 50,6. Được biết, chỉ số trên 50 biểu thị sự mở rộng và dưới 50 biểu thị sự thu hẹp.
“Khi những tác động tích cực từ Thế vận hội Olympic ở Paris đi qua, sự lạc quan của Khu vực đồng Euro cũng vậy. Các chỉ số càng làm gia tăng thêm mối lo ngại về tăng trưởng trong khối khi nỗi lo về lạm phát lắng xuống”, nhà kinh tế tại Tập đoàn ING (Hà Lan) Bert Colijin chia sẻ.
Một diễn biến tích cực là áp lực về giá ở khu vực đang giảm bớt. Điều này sẽ khiến Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) yêu tâm hơn và có thể tăng cơ hội các nhà hoạch định chính sách tiến đến cắt giảm lãi suất tiền gửi một lần nữa vào tháng 10.
Tuần trước, chuyên gia kinh tế của ECB cho rằng ngân hàng nên cắt giảm lãi suất dần dần, nhưng có thể cần phải đẩy nhanh tốc độ cắt giảm trong trường hợp nền kinh tế suy yếu.
Khi sự lạc quan trong kinh doanh suy yếu, điều này cho thấy các nhà quản lý mua hàng không mong đợi sự thay đổi sắp xảy ra. Điều này xuất hiện khi chỉ số sản lượng tương lai của nhà máy giảm xuống mức thấp nhất trong 11 tháng, tức từ 57,5 nay chỉ còn 52.