Chú trọng khâu đóng gói, bao bì để tránh hao hụt thất thoát thực phẩm |
Lần đầu tiên Ngày quốc tế nhận thức về thất thoát và lãng phí thực phẩm 29/9 được tổ chức vào năm 2020, nhằm kêu gọi mọi người đặc biệt quan tâm và có hành động thiết thực đến vấn đề quan trọng đang ảnh hưởng đến an ninh lương thực, môi trường, công bằng xã hội và phát triển bền vững. Chủ đề hưởng ứng ngày này năm nay là "Hãy dừng lãng phí thực phẩm! Vì con người và hành tinh" càng nhấn mạnh vai trò to lớn trong việc tránh lãng phí, thất thoát thực phẩm để bảo vệ sự sống của con người, duy trì sự phát triển bền vững của môi trường sinh thái.
Theo số liệu năm 2024 của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), lãng phí thực phẩm xảy ra ở cấp độ bán lẻ, dịch vụ thực phẩm và hộ gia đình riêng trong năm 2022 ước tính bằng 19% tổng số thực phẩm có sẵn cho người tiêu dùng. Về tỷ lệ thực phẩm bị thất thoát trên toàn cầu sau khi thu hoạch ở các trang trại, khâu vận chuyển, lưu trữ, bán buôn và chế biến theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) ước tính khoảng 13,2%.
Có thể thấy, lãng phí lương thực, thực phẩm cũng chính là lãng phí các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đồng thời còn làm tiêu hao sức lao động và các chi phí khác trong quá trình sản xuất, gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, an sinh xã hội. Theo tính toán của giới chuyên môn, việc sản xuất lương thực trên toàn cầu chiếm 25% diện tích đất lưu trú, tiêu tốn khoảng 70% lượng nước ngọt, gián tiếp góp 80% vào nạn chặt phá rừng và 30% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Chưa kể, chính lượng rác thải từ thực phẩm bị vứt bỏ, lãng phí tại các bãi chôn lấp chiếm khoảng 10% tổng lượng rác thải. Tổ chức Công ước Bảo vệ Thực vật Quốc tế (IPPC) cũng khẳng định, khí metan do thất thoát và lãng phí thực phẩm gây ra có hại ít nhất gấp 28 lần so với CO2 trong tác động đến biến đổi khí hậu.
Trước những tác hại và hệ lụy do thất thoát và lãng phí thực phẩm, người dân cần nâng cao nhận thức và có hành động thiết thực ngay trong sinh hoạt gia đình, khi thu hoạch tại trang trại, gia trại, mua bán tiêu thụ trong các siêu thị, căng tin, trong khách sạn hoặc bất cứ nơi nào thực phẩm được vận chuyển, tiêu thụ hàng ngày. Ngay cả khi mỗi chúng ta có ý thức tiết kiệm, dừng ngay việc lãng phí thực phẩm còn giúp giảm lãng phí lương thực, tiết kiệm tài chính, hạn chế tối đa các tác động đến môi trường.
Theo khuyến cáo của UNEP, để tránh thất thoát và lãng phí thực phẩm, cần giải quyết tình trạng này trong toàn bộ chuỗi cung ứng, từ sản xuất đến tiêu dùng. Tại nước ta, mất mát và lãng phí thực phẩm xảy ra chủ yếu trong giai đoạn đầu ở các bước sau thu hoạch và sơ chế chiếm tỷ lệ khá cao trong tổng lượng lương thực lãng phí trong chuỗi cung cấp. Điều này có liên quan đến vấn đề tài chính, quản lý và công nghệ, phương thức thu hoạch cũng như khâu dự trữ, bảo quản đóng gói sản phẩm. Vì thế, để giảm mất mát và lãng phí thực phẩm cần tăng cường chuỗi cung ứng thông qua ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cho người nông dân, đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải thông suốt...