Khu vực này của Làng Nủ trước có nhiều hộ dân sinh sống, giờ đã trở thành bình địa sau trận lũ kinh hoàng. Ảnh: TTXVN |
Trên facebook của một người bạn, tôi đọc những chia sẻ buồn: “Mấy ngày nay, hình ảnh tìm kiếm người dân Làng Nủ tái diễn lại toàn cảnh nỗi đau cách đây 4 năm ở Rào Trăng 3. Cũng là hình ảnh các anh bộ đội, những chiếc xe múc, các chú chó nghiệp vụ và người nhà nạn nhân xung quanh đống đổ nát, bùn lầy. Người nhà với 2 tâm trạng mâu thuẫn nhau; một là, mong tìm kiếm được thi thể con em mình nhưng lúc này chắc sẽ đau tận ruột gan, ngã quỵ; hai là, mong đừng tìm thấy vì với suy nghĩ chưa tìm thấy xác thì vẫn còn một tia hy vọng, dù biết là ảo tưởng rằng con em mình vẫn còn sống đâu đó và một ngày nào đó sẽ trở về...”.
Hơn 4 năm về trước, trong một ngày mưa gió bão bùng 12/10/2020, một vụ sạt lở nghiêm trọng xảy ra tại Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 thuộc xã Phong Xuân, huyện Phong Điền đã vùi lấp 17 công nhân. Một đoàn cứu hộ đã được tổ chức đi kiểm tra, khảo sát để xác minh, kiểm tra thông tin và có phương án cứu hộ, cứu nạn kịp thời. Tuy nhiên, đến 0h ngày 13/10, tại tiểu khu 67 nơi đoàn dừng chân tiếp tục xảy ra sạt lở. Đoàn công tác gồm 21 người nhưng chỉ 8 người thoát nạn. Mặc dù sau đó đã tổ chức nhiều đợt tìm kiếm, nhưng vẫn còn 11 công nhân đến nay mất tích và trong số đó có người em ruột của cô bạn gái có những dòng tâm sự vừa nêu.
Hai ngày sau khi xảy ra vụ sạt lở, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có mặt ở thôn Làng Nủ. Chứng kiến cảnh tượng tang thương và gặp gỡ những gương mặt đầy lo âu, buồn bã của người dân, người đứng đầu Chính phủ đã không kìm được nước mắt. Thủ tướng yêu cầu tỉnh Lào Cai tìm 1 - 2 địa điểm để khảo sát, đánh giá an toàn nhằm khôi phục lại nơi ở mới cho người dân. Trước đó, tại Hội nghị đánh giá công tác chỉ đạo ứng phó, tình hình thiệt hại và triển khai các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả cơn bão số 3, Thủ tướng nêu rõ 1 trong 5 mục tiêu là ứng phó hậu quả hoàn lưu bão như lũ ống, lũ quét, sạt lở, sụt lún…
Niềm đau Rào Trăng 3 chưa nguôi ngoai, hình ảnh đau thương của Làng Nủ vẫn mồn một và khi mà mùa lụt bão ở miền Trung chỉ mới bắt đầu thì cùng với gió to bão dữ, úng ngập kéo dài, lũ ống, lũ quét… là nỗi lo sạt lở đất. Đã có sự thay đổi sâu sắc ở Thừa Thiên Huế trong công tác phòng, chống lụt bão khi mới đây, để ứng phó với bão số 4, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh có thông báo nổi bật, cập nhật cảnh báo chừng 50 điểm có nguy cơ lũ quét, trượt lở đất vùng đồi núi. Để rồi, căn cứ vị trí cảnh báo, các địa phương và đơn vị khẩn trương bố trí lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven đồi núi, ven sông, suối… chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, địa bàn dễ bị chia cắt.
Sạt lở đất là một trong những loại hình thiên tai rất nguy hiểm, có thể xảy ra ngay ở những nơi mà chúng ta không ngờ tới. Rõ ràng, không quá khó khăn để xác định Thừa Thiên Huế và nhiều tỉnh, thành ở miền Trung là “điểm nóng” về tình trạng sạt lở đất đá. Đó là, có lượng mưa tập trung rất lớn, địa hình thấp dần ra biển nhưng khá đột ngột, tạo ra độ dốc 14-32%, cộng với địa chất phức tạp, lớp vỏ phong hóa dày; thảm phủ chủ yếu là rừng trồng, rừng tái sinh. Cũng phải kể đến là các hoạt động dân sinh, như phá rừng, mở đường, xây dựng công trình... đã thúc đẩy quá trình tai biến địa chất. Ngoài ra là tình trạng mất rừng tự nhiên.
Trong phòng, chống bão Yagi có chuyện rằng, ngày 10/9, chính quyền xã Cốc Lầu (Bắc Hà, Lào Cai) hay tin ở thôn Kho Vàng xảy ra sạt lở khiến nhiều người mất tích. Không liên lạc được, xã tổ chức tìm kiếm và thật bất ngờ khi thấy 115 hộ dân đang lánh nạn an toàn ở trên núi. Thì ra, sáng 9/9 xảy ra mưa lớn, Trưởng thôn Ma Seo Chứ một vài người không khỏi sốt ruột liền đi kiểm tra quả đồi bên trên và phát hiện có vết nứt khoảng 20cm sắp bị sập xuống. Anh tức tốc vận động bà di dời lên một ngọn núi cách khu dân cư gần khoảng 400 - 500m, dựng lều bạt lánh nạn. Trưởng thôn Ma Seo Chứ sau đó được Thủ tướng tặng bằng khen.
Phòng, chống sạt lở đất cần tính đến những giải pháp mang tính căn cơ và khoa học. Thế nhưng, cũng như Trưởng thôn Ma Seo Chứ và những người bạn, đôi khi cũng cần tới sự linh hoạt trong cách ứng xử, bắt đầu từ sự hiểu biết về thời gian, địa điểm và nguyên nhân xảy ra sạt lở đất để có thể giúp chúng ta giảm thiểu những tác hại khôn lường đến từ hiểm họa tự nhiên này.