“Vàng son kỳ mỹ - tinh hoa kỹ nghệ Việt Nam” là điều tác giả Nguyễn Phong vô cùng tâm đắc khi gửi đến Thừa Thiên Huế Cuối tuần bộ ảnh giới thiệu “bàn tay vàng” của các nghệ nhân đang hoàn thiện quy trình sơn son thếp vàng cho những cây cột ở điện Thái Hòa.

Điện Thái Hòa đầu tiên được xây dựng vào năm 1805 dưới triều vua Gia Long, nhưng kiến trúc hiện tại được vua Minh Mạng quy hoạch và kiến thiết lại năm 1833. Toàn bộ hệ thống sườn nhà của ngôi điện được làm bằng gỗ lim. Trong số 80 cột của ngôi điện, có 66 cột được sơn son, vẽ rồng thếp vàng uốn quanh. Tháng 4/2022, điện Thái Hòa được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế trùng tu với tổng kinh phí 128 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước. Dự kiến, công trình sẽ hoàn thành vào tháng 8/2025, nhưng đơn vị thi công nỗ lực về đích trước năm 2025.

Những cây cột trong điện Thái Hòa đều phải trải qua rất nhiều quy trình xử lý, từ sơn lót, mài mịn, sơn cầm, vẽ tay, thếp vàng… Các nguồn tư liệu ảnh từ xưa đến nay không cho thấy nhiều thông tin về nghề thếp vàng ở những công trình quan trọng như điện Thái Hòa. Công việc này đòi hỏi nghệ nhân phải có tay nghề rất cao và xưa, chủ yếu các nghệ nhân miền Bắc thực hiện. Nhưng nay, Huế đã có truyền nhân. “Đặc biệt là ở kỹ thuật “rây mây” - quy trình hoàn thiện cuối cùng trong khâu sơn thếp, Huế đã có nghệ nhân Ngô Đình Trọng đủ “đỉnh” để thực hiện. Và đây cũng là điều kiện vô cùng lý tưởng để nghệ nhân Đình Trọng tiếp tục đào tạo, trao truyền kỹ nghệ nghề thếp cho những nghệ nhân khác”, Phong giới thiệu.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

 “Điểm nhãn” cho rồng
 
 Lấy dấu, tạo hình từ bản quét ở hiện vật gốc
 Bột vàng được rây mịn từ vàng lá 24k
 Nghệ nhân Ngô Đình Trọng đang “rây mây”
 Linh vật Rồng trên cột chánh điện Thái Hòa sau khi hoàn thiện