Đáng báo động khi mỗi năm có đến 11 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra đại dương. Ảnh minh họa: media.chinhphu.vn

Nguyên nhân chính gây nên khủng hoảng này là các tập đoàn đa quốc gia, với các hoạt động của họ đã góp phần đáng kể vào tình trạng ô nhiễm đại dương. Mặc dù thu được rất nhiều lợi ích từ các khu vực đang phát triển trên thế giới, một phần là nhờ chi phí sản xuất thấp hơn và luật môi trường dễ dãi, song nhiều công ty vẫn còn chậm trong việc giải quyết tác động gây nên cho môi trường.

Trên toàn cầu, rác thải đại dương, đặc biệt là ô nhiễm nhựa đã đạt đến mức báo động. Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), mỗi năm ghi nhận khoảng 11 triệu tấn nhựa đổ ra đại dương và con số này dự kiến sẽ tăng gấp 3 vào năm 2040 nếu xu hướng hiện tại vẫn tiếp tục.

Thêm vào đó, tình trạng ô nhiễm này không phân bổ đồng đều, với Nam bán cầu phải gánh chịu một phần gánh nặng không cân xứng.

Khi môi trường đang phải trả giá quá đắt, nhân viên truyền thông của Tổ chức Greenpeace Natalie Emi Hirai khẳng định, các tập đoàn lớn như Unilever phải loại bỏ dần nhựa dùng một lần và ưu tiên tái sử dụng trong thập kỷ tới. Trong đó, chỉ riêng việc bán các phế phẩm nhựa thuộc loại không thể tái chế hoặc không thể tái sử dụng là hành động “vô trách nhiệm” và các tập đoàn phải chịu trách nhiệm cho vòng đời của các sản phẩm do họ sản xuất. Điều này bao gồm loại bỏ nhựa dẻo như túi nilon và vận động ký kết, triển khai các thỏa thuận quốc tế mạnh mẽ hơn như hiệp ước toàn cầu về chống ô nhiễm nhựa.

Bên cạnh những nỗ lực giảm thiểu rác thải đổ ra đại dương của các quốc gia, đơn cử như Nhật Bản, nổi bật với tỷ lệ tái chế ấn tượng lên đến 84%, cùng nhiều hành động khác như tham gia vào các quan hệ đối tác với các nước Đông Nam Á để tăng cường cơ sở hạ tầng quản lý chất thải và thúc đẩy tái chế… Nhìn chung, vấn đề toàn cầu này đòi hỏi một phản ứng thống nhất. Trong khi Nam bán cầu gánh chịu hậu quả nặng nề nhất từ tác động của ô nhiễm biển đối với môi trường và sức khỏe, trách nhiệm giải quyết cuộc khủng hoảng này thuộc về tất cả các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia có hoạt động kinh tế góp phần lớn nhất gây ra ô nhiễm nhựa.

Với nguồn lực dồi dào và phạm vi hoạt động toàn cầu, các công ty đa quốc gia có vị thế độc nhất để dẫn đầu trong việc giải quyết rác thải đại dương, nhưng điều này đòi hỏi phải có cam kết thực sự đối với công tác quản lý môi trường. Các công ty phải hợp tác với chính phủ, các tổ chức phi chính phủ và cộng đồng địa phương để phát triển và thực hiện các chiến lược hiệu quả nhằm giảm thiểu chất thải và bảo vệ đại dương. Bằng cách này, họ có thể giúp đảo ngược tình hình ô nhiễm đại dương và đảm bảo tương lai bền vững hơn cho tất cả mọi người.

Hạnh Nhi (Lược dịch từ Japan Times)