Doanh nghiệp livestream bán hàng trên TikTok 

Giải pháp tiếp cận khách hàng hiệu quả

Gian hàng trưng bày các sản phẩm trầm hương của Công ty TNHH Bách Nghệ Búp Sen tại hội nghị “Lãnh đạo tỉnh gặp mặt doanh nghiệp” chào mừng Ngày Doanh nhân Việt Nam vừa qua thu hút đông đảo khách tham quan và mua hàng.

Bà Nguyễn Thị Kim Lang, Phó Giám đốc công ty cho biết, hiểu được quy luật "ở đâu có dòng người, ở đó có dòng tiền", vì vậy chúng tôi tận dụng tối đa các kênh khác nhau để tiếp cận khách hàng. Theo bà Kim Lang, công ty bà đã tham gia các khóa học bán hàng và triển khai kinh doanh trên nhiều nền tảng trực tuyến từ nhiều năm nay. Các sản phẩm của công ty hiện diện trên các nền tảng mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử như: Facebook, Zalo, Shopee, Lazada và tham gia một số hội chợ, triển lãm. “Riêng với sàn thương mại điện tử Shopee, công ty giao dịch khoảng 5.000 đơn hàng mỗi năm. Nhờ vậy doanh thu của DN năm sau luôn cao hơn năm trước”, bà Kim Lang chia sẻ.

Một trong những kênh bán hàng hiện đại mà các DN đang tập trung khai thác hiện nay là livestream trên các nền tảng thương mại điện tử. Bà Lê Thị Kim Hằng, người sáng lập Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại YesHue với sản phẩm đặc trưng là gia vị bún bò Huế cho biết, trong một phiên livestream kéo dài chưa đầy 5 phút tại đại hội nông sản tổ chức ở Đà Lạt (Lâm Đồng) mới đây, hơn 5.000 sản phẩm của công ty đã được bán ra thị trường. “Đây là một sự khởi đầu ấn tượng cho YesHue trên nền tảng TikTok”, bà Kim Hằng nói.

Chương trình livestream “Hương sắc Cố đô” do Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Thừa Thiên Huế và TikTok shop Việt Nam tổ chức cũng ghi nhận kết quả khả quan. Chỉ trong hơn 4 giờ đồng hồ phát trực tiếp, hàng ngàn đơn hàng nông sản, đặc sản Huế đã được chốt với doanh thu hàng trăm triệu đồng.

Ngoài livestream, việc đăng tải video ngắn trên các nền tảng như TikTok, Facebook và Zalo cũng mang lại hiệu quả tích cực. Cơ sở sản xuất HanaalFood – thịt gác bếp và đặc sản A Lưới đã thành công khi áp dụng hình thức này, giúp tăng đơn hàng gấp ba lần so với trước khi chỉ bán hàng offline. Bà Nguyễn Thị Phương Mây, người sáng lập thương hiệu HanaalFood cho hay, việc bán hàng đa kênh như một cách "tích tiểu thành đại," mỗi kênh giúp tiếp cận được tệp khách hàng khác nhau. Trước đây, sản phẩm của bà chỉ gói gọn trong tỉnh, nhưng nay đã lan tỏa khắp các thị trường lớn trên toàn quốc. "Hiện, tôi đã nhận được các đơn hàng tết với hàng ngàn gói bò khô gác bếp", bà Phương Mây cho biết.

Kết nối và phát triển thương mại điện tử

Bán hàng đa kênh mang lại nhiều lợi ích cho DN, đặc biệt trong thời đại kỹ thuật số hiện nay. Tuy nhiên, các DN tại Thừa Thiên Huế vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong quá trình chuyển đổi này. Theo ông Dương Tuấn Anh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, một trong những thách thức lớn nhất là hạ tầng và công nghệ. Nhiều DN nhỏ, siêu nhỏ gặp trở ngại trong việc đầu tư vào hệ thống bán hàng trực tuyến, đặc biệt khi thiếu nguồn lực và kinh nghiệm để vận hành hiệu quả các nền tảng thương mại điện tử.

Ngoài ra, nhận thức về chiến lược kinh doanh đa kênh vẫn chưa thực sự rõ ràng đối với một số DN địa phương. Họ vẫn chủ yếu dựa vào phương thức kinh doanh truyền thống, chưa khai thác triệt để tiềm năng của các kênh trực tuyến. Điều này dẫn đến việc nhiều DN chưa đạt được doanh thu như kỳ vọng khi tham gia vào thị trường số hóa. Sự cạnh tranh gay gắt trên các nền tảng trực tuyến cũng là một thách thức lớn. Các DN nhỏ lẻ khó cạnh tranh về giá cả và dịch vụ với các thương hiệu lớn trên các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội. Việc thiếu hụt nguồn nhân lực có chuyên môn trong quản lý và vận hành hệ thống bán hàng đa kênh cũng là một trở ngại đáng kể. Việc đào tạo đội ngũ nhân viên am hiểu công nghệ thông tin và digital marketing (tiếp thị kỹ thuật số) vẫn chưa được chú trọng đúng mức, dẫn đến khả năng quản lý kinh doanh chưa hiệu quả.

Để giúp DN tiếp cận thị trường rộng lớn hơn, tỉnh đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, từ việc đào tạo bán hàng đa kênh cho đến xúc tiến thương mại điện tử. Các DN được hướng dẫn tham gia trên các sàn thương mại lớn thông qua nhiều khóa đào tạo thực chiến. Những nỗ lực này không chỉ giúp DN mở rộng quy mô tiêu thụ mà còn tạo điều kiện để DN kết nối với các đối tác chiến lược.

Bài, ảnh: HẢI THUẬN