Một góc làng cổ Phước Tích nhìn từ trên cao. Ảnh: N. Luân

Trước đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nhận được tờ trình của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc đề nghị lập hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với di tích làng cổ Phước Tích.

Sau khi nghiên cứu và xin ý kiến các nhà khoa học Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia (nhiệm kỳ 2020 - 2024), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có ý kiến thống nhất với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc này.

Căn cứ thành phần và thể thức hồ sơ theo quy định, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo cơ quan chức năng lập hồ sơ di tích, gửi về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (thông qua Cục Di sản Văn hóa).

 Khung cảnh bình yên dẫn vào bên trong làng cổ Phước Tích. Ảnh: N. Luân

Làng cổ Phước Tích được công nhận di tích quốc gia vào năm 2009. Ngôi làng cổ này được bao bọc bởi con sông Ô Lâu, giáp với tỉnh Quảng Trị, cách TP. Huế 40km về phía Bắc, được thành lập từ năm 1470 dưới thời Lê Thánh Tông. Thời điểm được công nhận di tích quốc gia, làng được đánh giá vào hàng vẹn nguyên, quý giá không chỉ ở miền Trung mà còn của cả nước với hàng chục ngôi nhà rường - vườn truyền thống có giá trị đặc biệt về mặt kỹ thuật và thẩm mỹ.

Cùng với đó, làng cổ Phước Tích vẫn giữ được hàng loạt hệ giá trị văn hóa như thiết chế kiến trúc văn hóa tín ngưỡng (đình, chùa, nhà thờ họ, đền, miếu, am), cảnh quan thiên nhiên và cảnh quan xóm làng.

N. MINH