Theo cách mạng trước khởi nghĩa tháng Tám, đi qua hai cuộc chiến, hòa bình xong là cụ đưa vợ con về quê. Với những người đi chiến đấu xa nhà như cụ, hai từ “về quê” có lẽ là nỗi khát khao cháy bỏng. Nên không ít người, khi hòa bình lập lại là bán hết nhà cửa, bỏ ruộng vườn để về quê, bắt đầu lại trên quê hương với bao gian khổ nhọc nhằn.

Qua thư, cụ tự nhận mình là người diễm phúc bởi đã hưởng được hòa bình hơn 40 năm. Còn bao người đồng đội khác thì đã ngã xuống, mãi mãi không còn được về... Nhưng cụ lại có một nỗi buồn của người thượng thọ, khi chứng kiến những người già lần lượt ra đi, để lại những ngôi nhà thờ không còn ai trông giữ. “Nhà ông Đường, nhà ông Tu, nhà ông Phong, nhà ông Truyền, nhà ông Nhỉ, nhà o Tình…đều bỏ không khi các cụ khuất núi. Riêng tôi thì một mình với 3 gian nhà lạnh lẽo đang vượt lên chính mình”-cụ kể, như đang đếm từng nỗi buồn.

Những cuộc ly nông và ly hương của lao động trẻ khiến làng quê vắng vẻ lắm. Con sông quê một thời tấp nập ghe cộ nay tịnh không bóng người. Những cây mưng cổ thụ dầu dòng đã bị bứng lên thành phố làm cảnh từ dạo nào, chỉ còn những cái hố sâu. Sông cũng đã cạn đi nhiều, sau mỗi mùa bồi lắng. Nhỏ nhoi giữa cánh đồng bao la bỏ hoang .

O tôi năm nay cũng đã ngấp nghé tuổi 80, một mình trong ngôi nhà khang trang được xây từ tiền con cái gửi về sau những chuyến làm ăn xa biền biệt. O nói: Buồn lắm. Vắng tiếng cháu con nên cứ bật tivi suốt ngày cho có tiếng người. Lỡ khi trái gió trở trời không biết kêu ai. Sao O không gọi các anh về quê làm ăn cho gần? O trầm ngâm: Ruộng vườn ni làm chi nổi.

Nhìn quanh khu vườn rộng chỉ còn thưa thớt dăm bụi tre của O, lòng tự hỏi: Cũng đất ấy, cũng nắng gió hanh hao ấy, sao ngày xưa, O lại nuôi được bầy con 9 đứa?

Có phải bởi đất cằn, hay là thế hệ trẻ hôm nay không đủ kiên nhẫn, không đủ nghị lực thức đêm, canh đồng để chắt từng giọt nước vào ô ruộng phèn như cha ông ngày trước?

Tiểu Muội