PCI là chỉ số đánh giá và xếp hạng chính quyền các tỉnh, thành của Việt Nam trong việc xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc phát triển DN dân doanh. Đây là dự án hợp tác nghiên cứu giữa VCCI và Dự án nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam (do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tài trợ).

Báo cáo xếp hạng PCI 2010 thể hiện quan điểm của 7.300 DN dân doanh trong cả nước tham gia khảo sát. Theo đó, các DN đánh giá có sự cải thiện ở một số lĩnh vực như chất lượng đào tạo và dịch vụ hỗ trợ DN... Nhưng ở một số lĩnh vực khác như chi phí gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, thiết chế pháp lý, tính minh bạch và chi phí thời gian lại có xu hướng sụt giảm, cho thấy gánh nặng tuân thủ các thủ tục, qui định pháp luật ngày càng gia tăng đối với khu vực kinh tế dân doanh. Kết quả cho thấy, Đà Nẵng vẫn nằm ở vị trí dẫn đầu, tiếp đến là Lào Cai, Đồng Tháp... Hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh 4 năm liên tiếp chưa cải thiện được chỉ số, trong đó lĩnh vực tiếp cận đất đai bị đánh giá thấp nhất. Hà Nội đứng thứ 43 và TP Hồ Chí Minh ở vị trí 23/63 tỉnh, thành của cả nước... Ngay cả Đà Nẵng, tuy vẫn duy trì vị trí dẫn đầu 3 năm liên tiếp, nhưng PCI 2010 giảm 6,19 điểm so với năm 2009 và dường như đã kém ấn tượng hơn so với trước...
Đứng ở thứ 18/63 tỉnh, thành cả nước và duy trì ở nhóm có năng lực cạnh tranh tốt là kết quả đáng được ghi nhận về PCI 2010 của Thừa Thiên Huế. Song những thay đổi về điểm, thứ hạng và các lĩnh vực được đánh giá vẫn là điều đáng nói trong hành trình nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Nhìn một cách tổng quan, kết quả PCI các năm qua của Thừa Thiên Huế đã có những thay đổi tích cực. Từ nhóm PCI trung bình với vị trí 25/47 tỉnh, thành được đánh giá năm 2005 và 40/64 năm 2006; năm 2007 Thừa Thiên Huế đã vươn lên nhóm PCI tốt với vị trí 15/64 (2007) và 10/63 (2008). Hai năm qua, tuy Thừa Thiên Huế vẫn ở nhóm PCI tốt, nhưng vị thứ lại giảm dần (14/63 năm 2009 và 18/63 năm 2010). So với năm 2009, năm 2010 chỉ số các lĩnh vực được đánh giá của tỉnh cũng có những thay đổi đáng quan tâm. Cụ thể, có 4 lĩnh vực “tăng điểm” gồm: các chi phí không chính thức, tính minh bạch và tiếp cận thông tin, dịch vụ hỗ trợ DN và đào tạo lao động; 1 lĩnh vực “không tăng giảm” là thiết chế pháp lý và 4 lĩnh vực “giảm điểm” là: tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh; chi phí thời gian để thực hiện các qui định của Nhà nước; tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất và chi phí gia nhập thị trường.
Cho dù kết quả công bố PCI chỉ mang tính tham khảo và PCI năm 2010 của Thừa Thiên Huế vẫn nằm trong nhóm các địa phương có năng lực cạnh tranh tốt, nhưng những thay đổi trong kết quả đánh giá cụ thể của Thừa Thiên Huế cũng như cả nước nói chung về cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho DN vẫn là vấn đề đáng được quan tâm một cách thoả đáng.
Hoàng Thành