Khi những bạn trẻ ở Hà Nội rộn lên với sắc vàng mơ màng của bạt ngàn hoa cải hay cao nguyên đã khấp khởi với cơ man dã quỳ hoang dại, thì phía tây nam thành phố Huế, đồi Thiên An lại trở thành nơi hò hẹn của biết bao cặp tình nhân.


Thiên An những ngày này không quyến rũ bạn trẻ bằng những cội thông già có những quả nấp dưới gốc như những nụ hôn lấp ló, Thiên An tinh nghịch gọi bạn bằng nẻo đường vòng phía sau. Đó là con đường vòng qua Thiên An đến lăng Khải Định, sau lưng đồi thông xanh tươi ấy đang dặt dìu một mùa gió, mùa vàng, mùa mơ hoa của sóng sóng lớp cỏ may đang hào phóng trở một màu vàng óng ả, màu của sự lạ kỳ.
Trôi trong cảm giác gài gại dưới bắp chân của những bông cỏ may xuông vào, tôi như lật giở từng trang ký ức trong veo ngọt ngào từ hôm nào đã cất giấu đâu đó trong ô kéo thật sâu đời mình. Ai trong đời từng ở Huế đều gắn bó ít nhất là một gốc thông nơi đây, nên khi quay lại, dẫu muốn dẫu không cũng đắm chìm với kỷ niệm của riêng mình. Đôi khi, vô tình, kỷ niệm buồn thường làm trái tim trĩu nhịp.

Nhưng buổi chiều này, khi bỏ lại thành phố sau lưng để thả mình vào đám cỏ lao xao kia, hồn tôi lại trong veo đến lạ kỳ. Nhớ câu thơ của nữ sĩ tài hoa Xuân Quỳnh thưở nao chép tay bằng dòng mực tím “Hồn em như hoa cỏ may/ Một chiều cả gió bám đầy áo anh”, thốt nhiên muốn lòng mình ngay giờ, được hóa thành cỏ may, để bước chân anh qua dẫu vô tình, cũng bám cho đầy thương đầy nhớ.
Hoa cỏ may đấy, như một đám thủy tinh trong veo nơi đồi Ngọc Linh, long lanh một cách lạ kỳ, để giúp Huế biết thêm một cách níu chân người đi qua. Như nụ cười hiền ngoan, như ánh nhìn sông Hương, cỏ may găm mãi một nơi thôi, người đi cất bước chi đành…
Lê Thường Xuân