Du khách đến chợ phiên để thưởng thức những món ăn đặc sản của núi rừng |
Thúc đẩy phát triển kinh tế
Chợ phiên Nam Đông lần đầu tổ chức vào tháng 3/2023 tại Trung tâm Văn hóa huyện Nam Đông đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của người dân địa phương và du khách. Tại đây, hơn 50 gian hàng bày bán các sản phẩm đa dạng, như: Nông sản, sản phẩm OCOP, thổ cẩm zèng, rượu men lá và các món ăn đặc trưng như cơm lam, heo bản, rau rừng...
Phiên chợ là nơi kết nối giao thương, đồng thời giúp người dân nâng cao thu nhập. Chị Hồ Thị Mến, một tiểu thương tại chợ chia sẻ: “Nếu trước đây chỉ trồng rau để ăn thì nay chúng tôi chăm sóc vườn cẩn thận hơn để có sản phẩm bán đều đặn hai lần mỗi tháng. Nhờ đó, kinh tế gia đình được cải thiện, các con tôi có thêm điều kiện học hành tốt hơn”.
Chợ phiên Nam Đông được duy trì định kỳ hai lần mỗi tháng vào các ngày Chủ nhật tuần giữa và tuần cuối. Không chỉ thu hút người dân địa phương, chợ phiên còn kết nối nhiều du khách thập phương đến tham quan, mua sắm những sản vật địa phương và đặc biệt là khám phá văn hóa, con người nơi đây.
Tại A Lưới, phiên chợ cũng được tổ chức vào ngày cuối tuần của tuần cuối cùng mỗi tháng, với các đặc sản như nấm lim xanh, mật ong rừng, thịt gác bếp, nếp than, gạo Ra dư, rượu sâm... Điều đặc biệt là tất cả các sản phẩm này đều được đồng bào DTTS tự tay sản xuất, đảm bảo chất lượng và đậm nét đặc trưng của núi rừng.
Chị Hồ Thị Hồng, một tiểu thương tại chợ chia sẻ: “Từ ngày bán ở chợ phiên, tôi có thêm khách quen. Du khách gần xa cũng biết đến những đặc sản của địa phương như thịt trâu, bò gác bếp, rượu sâm hay mật ong rừng… Tất cả các sản phẩm đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng nên rất được ưa chuộng”.
Chợ phiên A Lưới còn là cơ hội để người dân giao lưu văn hóa, học hỏi cách làm kinh tế. Với những món ăn truyền thống độc đáo như cơm lam, cháo tà lục tà lạo, cá suối, ốc đá… chợ phiên cũng trở thành điểm đến thú vị cho những ai muốn trải nghiệm hương vị núi rừng.
Kết nối rộng mở
Nhằm mở rộng thị trường và kết nối tiêu thụ sản phẩm cho đồng bào DTTS, Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức phiên chợ vùng cao đầu tiên tại TP. Huế vào cuối tháng 7/2024. Sự kiện kéo dài ba ngày, quy tụ hàng chục gian hàng từ các huyện miền núi, giới thiệu các sản phẩm OCOP, hàng thủ công mỹ nghệ, nông sản và ẩm thực đặc sắc.
Khác với những phiên chợ tự phát trước đây, phiên chợ vùng cao tại TP. Huế được tổ chức bài bản, chuyên nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để người dân giới thiệu sản phẩm và khách tham quan dễ dàng mua sắm. Ngoài ra, phiên chợ còn là không gian để đồng bào các dân tộc quảng bá văn hóa, từ nghề dệt zèng, làm rượu men lá, đến các điệu múa và bài hát truyền thống.
Những phiên chợ vùng cao không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, mà còn góp phần bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS. Đối với người dân, chợ phiên là nơi giao thương, mang lại thu nhập cho người dân và là cầu nối văn hóa, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, nâng tầm giá trị của các sản phẩm địa phương.
Bà Nguyễn Thị Thanh, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện A Lưới cho hay: "Chợ phiên giúp đồng bào kết nối thị trường, tiêu thụ sản phẩm, từ đó từng bước xây dựng nền kinh tế hàng hóa. Đây cũng là cơ hội để đồng bào phát triển sinh kế bền vững, gia tăng thu nhập và cải thiện đời sống".
Các phiên chợ còn là điểm nhấn trong hành trình phát triển du lịch của địa phương. Ngoài mua sắm những sản vật độc đáo và tìm hiểu văn hóa bản địa, du khách khi đến Nam Đông, A Lưới đều muốn trải nghiệm không gian chợ phiên như một cách để hòa mình vào nhịp sống của đồng bào vùng cao.
Từ thành công của các phiên chợ vùng cao, chính quyền địa phương và các tổ chức liên quan đang lên kế hoạch nhân rộng mô hình này, không chỉ ở Nam Đông và A Lưới mà còn ở các địa phương khác. Việc duy trì và phát triển chợ phiên vùng cao sẽ tiếp tục là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội cho đồng bào DTTS, góp phần giảm nghèo và phát triển bền vững.
Dù vậy, để các phiên chợ vùng cao phát huy hơn nữa hiệu quả mang lại và ngày càng có nhiều người dân tham gia, chính quyền địa phương và các ban, ngành cần tổ chức nhiều hơn các chương trình hỗ trợ đào tạo nghề, nâng cao kỹ năng sản xuất và quảng bá sản phẩm... Bên cạnh đó, quan tâm đầu tư về hạ tầng giao thông, thúc đẩy chuyển đổi số giúp bà con tiếp cận được các thị trường lớn hơn.
Những phiên chợ vùng cao đã và đang tạo ra nhiều giá trị tích cực trong việc phát triển kinh tế và gìn giữ, lan tỏa văn hóa dân tộc. Với sự đồng hành của chính quyền và sự nỗ lực của người dân địa phương, những phiên chợ này sẽ tiếp tục là biểu tượng đẹp, góp phần làm giàu thêm bản sắc văn hóa của vùng đất Cố đô.