Đất nhiễm mặn khiến cây trồng không thể phát triển, gây nguy cơ cho an ninh lương thực thế giới. Ảnh: agric.wa.gov.au/TTXVN |
Theo báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), khoảng 1,4 tỷ ha - chiếm 10% diện tích đất toàn cầu, đang bị ảnh hưởng do nhiễm mặn, và 1 tỷ ha khác được xếp vào loại “có nguy cơ”.
Điều này đã gây ra những tác động nghiêm trọng đến nông nghiệp khi trên toàn cầu, khoảng 1/10 diện tích đất trồng trọt được tưới tiêu và 10% đất canh tác không tưới tiêu (chỉ dựa vào nước mưa) đang bị ảnh hưởng bởi lượng muối dư thừa trong đất. Trong một số trường hợp, thiệt hại tiềm tàng đối với năng suất cây trồng có thể lên tới 70% - chẳng hạn như với lúa hoặc đậu.
Một số quốc gia lớn nhất và đông dân nhất thế giới đang chịu tác động nặng nề, bao gồm Trung Quốc và Mỹ, Nga, Australia và Argentina. Khu vực Trung Á cũng là một điểm nóng, với Afghanistan, Kazakhstan, Uzbekistan, Iran và Sudan nằm trong số các quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. 10 quốc gia này chiếm 70% diện tích đất bị nhiễm mặn trên toàn cầu.
Trong đánh giá chính đầu tiên về tình trạng đất nhiễm mặn trong 50 năm qua, các nhà khoa học của FAO đã phát hiện ra rằng biến đổi khí hậu và các hoạt động nông nghiệp kém hiệu quả là nguyên nhân của vấn đề này. Các mô hình về xu hướng khô hạn toàn cầu chỉ ra rằng, với xu hướng tăng nhiệt độ hiện tại, diện tích đất bị nhiễm mặn có thể tăng lên từ 24% - 32% trên tổng diện tích đất toàn cầy. Phần lớn tình trạng khô hạn dự kiến sẽ xảy ra ở các nước đang phát triển.
Mặc dù một số loại muối là cần thiết cho cây trồng, nhưng độ mặn quá mức sẽ làm giảm độ phì nhiêu của đất. Đất quá nhiều muối sẽ hấp thụ nước, khiến cây trồng hấp thụ được ít nước hơn. Muối cũng làm thay đổi cấu trúc vật lý của đất, khiến đất vón cục lại với nhau và dễ bị xói mòn hơn.
Thiếu nước, thoát nước kém và khai thác đất quá mức là những yếu tố chính dẫn đến tình trạng gia tăng độ mặn trong đất. Mực nước biển dâng cao dự kiến cũng sẽ khiến hơn 1 tỷ người dân ở các vùng ven biển có nguy cơ bị ngập lụt và nhiễm mặn vào cuối thế kỷ, do sự xâm nhập của nước mặn vào các vùng ven biển.
Thực tế, nhiều nông dân thường sa vào các hoạt động canh tác kém do áp lực phải tăng năng suất ngắn hạn, điều này đang tạo ra các vấn đề lâu dài. Theo báo cáo, việc sử dụng nước trên toàn cầu đã tăng gấp 6 lần trong thế kỷ qua và việc khai thác quá mức các tầng chứa nước ngầm để tưới tiêu đang làm gia tăng tình trạng nước ngầm bị nhiễm mặn. Nông dân cũng đang tưới cây trồng bằng nước kém chất lượng hoặc nước mặn, bơm nước quá mức ở các vùng ven biển và nội địa, sử dụng quá nhiều phân bón, chất chống đóng băng. Đồng thời, phá rừng và loại bỏ thảm thực vật có rễ sâu cũng có thể làm tăng độ mặn của đất.
Kêu gọi hành động
FAO phát hiện ra rằng, cùng với việc giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu, những cách tốt nhất để khôi phục độ phì nhiêu của đất là thông qua sự kết hợp của các kỹ thuật truyền thống và cải thiện luân canh cây trồng, cũng như các sáng kiến như phát triển các loại cây trồng chịu mặn và sử dụng vi khuẩn, nấm và thực vật có thể loại bỏ hoặc cô lập muối trong đất.
Ngoài ra, các hoạt động canh tác tái tạo, tập trung vào độ phì nhiêu tự nhiên của đất, cũng có thể đóng vai trò quan trọng. Ông Anand Ethirajalu, Giám đốc dự án của Cauvery Calling, đơn vị đang hỗ trợ hơn 250.000 nông dân áp dụng các hoạt động nông sinh thái, cho rằng chính phủ cần hỗ trợ nhiều hơn nữa. Ông cho biết: “Nếu không hỗ trợ tài chính cho nông dân để phục hồi đất đai, độ phì nhiêu của đất giảm sẽ ảnh hưởng đến tất cả những người sống dựa vào lương thực – tức là tất cả chúng ta”.
Trái đất ấm lên và áp lực ngày càng tăng đối với nông nghiệp đang dẫn đến tình trạng đất đai khô cằn trên khắp thế giới. Cùng với độ mặn tăng và độ phì nhiêu của đất giảm, các yếu tố này kết hợp lại sẽ tạo ra những mối đe dọa chưa từng có đối với sản xuất lương thực
“Nạn đói toàn cầu không còn là mối đe dọa xa vời nữa. Cuộc khủng hoảng đất đai đang “vô hình” đối với nhiều người, nhưng tác động của nó sẽ được cảm nhận ở mọi ngóc ngách trên thế giới, nếu các nhà hoạch định chính sách không hành động”, ông Praveena Sridhar, Giám đốc kỹ thuật của phong trào Save Soil, cảnh báo.
Theo đó, báo cáo của FAO kêu gọi một khuôn khổ pháp lý ở cấp quốc gia và quốc tế để bảo vệ các hệ sinh thái nhiễm mặn tự nhiên và đảm bảo quản lý bền vững đất nông nghiệp, với mục tiêu chính là bảo vệ năng suất, chất lượng và sức khỏe đất nói chung, đảm bảo chất lượng và số lượng thực phẩm cho các thế hệ tương lai.