Các đại biểu trao đổi tại buổi tọa đàm |
Đó là những vấn đề được đặt ra tại buổi tọa đàm “Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP. Huế trực thuộc Trung ương” do Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế tổ chức sáng 20/12 tại TP. Huế. Tọa đàm với rất nhiều ý kiến trao đổi, chia sẻ của đông đảo các chuyên gia, nhà nghiên cứu.
Nghị quyết 54/NQ-TW, ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trong phần mục tiêu xác định, đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh. Đến năm 2030, Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á. Đến năm 2045, Thừa Thiên Huế là thành phố Festival, trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của Châu Á.
Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, ngày 30/11/2024, đã thông qua Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025, là thành phố thứ 6 trực thuộc Trung ương.
Du khách tìm hiểu Cửu Đỉnh bên trong Hoàng cung Huế |
TS. Phan Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế khi bàn về hướng phát triển của đô thị Huế trong tương lai đã cho rằng, Huế cần được ứng xử bằng những nguyên tắc và quy chế riêng, điều này hoàn toàn phù hợp với các quy định. “Việc xác lập cho Huế có những cơ chế đặc thù riêng là vấn đề vô cùng cần thiết, điều đó đảm bảo cho đô thị di sản với một hệ thống các giá trị được giữ gìn và phát huy càng tốt hơn, đồng thời chính với cơ chế này sẽ tạo tiền đề cho một chiến lược phát triển kinh tế tương xứng với vị thế của thành phố trực thuộc trung ương”, ông Dũng nói.
Còn theo PGS. TS Nguyễn Văn Mạnh (Trường đại học Khoa học, Đại học Huế), Huế hội đủ các tiêu chí của một “đô thị di sản”, có chỉnh thể phong phú di sản vật thể và phi vật thể, các di sản đó được tiếp nối qua các thời kỳ lịch sử và có giá trị độc đáo/ đặc sắc. Có được danh hiệu đó là niềm tự hào cho Huế nói riêng và cả nước nói chung. Trách nhiệm của người dân và chính quyền các cấp của Huế lại càng rất nặng nề khi thay mặt cả nước quản lý, bảo tồn và phát huy di sản của ông cha.
“Trách nhiệm đó đang đứng trước những cơ hội và thách thức nhất định mà mỗi một chúng ta phải nhận thức sâu sắc để góp được những việc làm hữu ích cho việc quản lý, giữ gìn và phát huy thế mạnh của “đô thị di sản Huế”, ông Mạnh chia sẻ.