Lấy nhau khi cả hai đều còn trẻ, gia đình đôi bên đều nghèo, nhưng may mắn là mẹ T có một lô đất mặt đường. Sau khi bán đi một nửa, cũng đủ để dành tiền cho T xây lại căn nhà cấp 4 với một tầng áp mái. Hai vợ chồng xoay xở đủ nghề và bây giờ trụ lại với việc bán heo, gà quay. Mỗi ngày bán 20-30 con và chục ký thịt heo là có thể an tâm nuôi con và bắt đầu dành dụm. Có vẻ như cuộc sống đang mỉm cười với họ.

“Vợ chồng em cũng ổn nhưng nhà em nóng lắm” – vợ T kể luôn là đường trước mặt nhà cô đã được làm lại, tiện thật nhưng không trồng cây được vì nó nằm gần giao lộ. Nóng từ lò quay đã đành mà còn vì nhà cô kín như cái tổ tò vò. Miếng đất của mẹ chồng vốn nằm lọt thỏm giữa ba căn hộ khác. Các phòng dưới hàng ngày vẫn phải bật đèn. Có cánh cửa sổ ở tầng áp mái thì đang có nguy cơ phải đóng lại vì nhà đằng sau sắp xây lên. Vấn đề quan trọng khác là nhà của vợ chồng cô xây nhưng có một mặt tiếp giáp với nhà bên không tô phía ngoài được vì hàng xóm không chịu. Nóng đã đành, nhưng mấy năm nay rồi, mỗi khi mưa là thấm. Cô kể mùa mưa luôn phải để giẻ dưới chân tường thấm nước. Nửa đêm phải thức dậy vắt bớt. Sống như vậy nên đứa con ba tuổi của vợ chồng cô không được khỏe. Nó có vấn đề về đường hô hấp.

“Tháng trước em gây lộn với hàng xóm. Là vì em xin hoài, mệ ở nhà bên cạnh đã cho em kêu thợ đến tô khi nhà mệ phá ra để làm lại cái mái và bù cho nhà mệ 5 triệu đồng. Nhưng con trai mệ thì nhất quyết không chịu. Em năn nỉ ỉ ôi hoài mà không được thông cảm. Rứa là gây. Em biết mình ồn ào là không hay, nhưng mà có ai hiểu cho nhà em không? Em lại cố chịu và dành dụm tiếp cho đến khi đủ tiền để làm lại cái nhà tốt hơn…”

Tôi không nói với vợ chồng T điều mình nghĩ, nhưng chắc chắn rằng, còn có một bức tường khác, ngột ngạt hơn, bức bối hơn rất nhiều trong mối quan hệ hàng xóm mà vì lý do nào đó, nó chưa được giải tỏa. Mối quan hệ với láng giềng gần, chắc phải dùng đến cách sống thế nào để “mưa dầm thấm lâu”, may ra mới cải thiện được bức bối của những hai bức tường.

An Nhi