Trịnh Công Sơn

Tôi biết, ở Huế hiện có rất nhiều người cũng như ông thầy giáo đáng kính của tôi, đã và đang nhớ hoài người nhạc sĩ đa tài kia. Họ hát nhạc của ông, kể những giai thoại về cuộc đời ông, thậm chí còn cố tạo nên một dáng vẻ bên ngoài gầy guộc, bồng bềnh, hao hao với người nhạc sĩ 10 năm rồi đã thật sự đi xa. Ông thầy giáo cũ của tôi bảo rằng, ngày xưa còn trẻ nghe nhạc Trịnh thấy rạo rực như bắt gặp mình ở trong đó, bây giờ già rồi nhưng những trải nghiệm của cuộc đời cũng như đều thấy có cả trong ca từ của nhạc Trịnh.

Đi xa, nghe một bài hát của Trịnh Công Sơn lại nhớ Huế hơn, da diết và thâm trầm. Nhiều lắm, không thể kể hết những hàng cây, con đường, góc phố của Huế. Cũng nhiều lắm những tâm trạng “rất Huế” trong từng lời ca của Trịnh. Còn tôi, nhớ có lần trong câu chuyện tâm giao với bạn bè, bất chợt có người nhắc lại lời ca “Em đi về chiều mưa ướt áo, đường phượng bay mù quên lối về”. Vậy là xôn xao. Con đường “phượng bay” đó ở đâu, tên thật là gì và vì sao. Nhiều bài báo của bạn bè đã ra đời bắt đầu từ sự hăm hở đi tìm lời giải đáp cho một địa danh ngập tràn chất thơ kia.
Có người ở Huế đã nói như “ganh tỵ” về những đêm nhạc của Trịnh Công Sơn, về những quán hàng trên cả nước lấy ngôn từ của ông, lấy họ của ông làm thương hiệu kinh doanh. Và họ đã nhắc nhiều đến khu du lịch Bình Quới (Tp Hồ Chí Minh) 10 năm nay, không tuần nào, không tháng nào mà không tổ chức cho quần chúng hát và nghe nhạc Trịnh. Vậy mà mỗi lần tổ chức đều quy tụ hàng ngàn người, có khi là cả hàng vạn người. Rồi, họ muốn ngay ở Huế cũng có một không gian như thế về Trịnh Công Sơn cũng như từng mơ ước về một ngôi nhà lưu niệm cố nhạc sĩ ngay trên quê hương để nó trở thành một địa chỉ và là nơi gặp mặt, vui chơi hằng ngày, dẫn dắt bằng âm nhạc, giữa một không gian văn hoá.
Còn tôi như chợt nhận ra đã lâu lắm rồi, Huế nhớ nhiều và nhắc cũng thật nhiều về Trịnh Công Sơn, nhạc sĩ Huế thiên tài theo những cách rất riêng của mình. Có điều, nó nhiều hơn ở trong suy tưởng và trong hoài niệm…
Đan Duy