Giết người vì mâu thuẫn tình ái; đất đai, tiền bạc…là những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các vụ án dã man này. Có vụ được hung thủ chuẩn bị kỹ lưỡng, có vụ là hành vi bộc phát nhưng tội ác gây ra thì đều kinh khủng và man rợ như nhau. Từ chỗ từng là người yêu, người quen, hàng xóm, thậm chí là không hề quen biết… nhưng chỉ vì nguyên cớ lãng xẹt nào đó như một cái nhìn được cho là nhìn đểu; một cú va chạm giao thông giữa đường, một trường hợp tử vong ngay sau khi chuyển viện cấp cứu; một bất hòa nào đó trong công việc thôi là có người ra đi vĩnh viễn, có người tù tội lâu dài hoặc đứng vào khung hình phạt cao nhất là tử hình. Nhưng đằng sau nó là những cảnh ngộ ly tán, những đứa con mất cha, cha mẹ mất con, vợ mất chồng, gia đình vĩnh viễn mất đi người thân. Hẳn nhiên đằng sau đó còn là những hệ lụy xã hội kéo dài.

Trước hiện trạng này, đã có nhiều người lên tiếng về sự bào mòn, suy thoái của văn hóa truyền thống, là sự ảnh hưởng của tệ nạn xã hội dẫn đến những thay đổi về giá trị, chuẩn mực của cuộc sống trong một bộ phận, nhất là những người còn trẻ. Những lệch lạc trong nhận thức, trong thái độ sống đã dẫn đến những hành vi lệch chuẩn về đạo đức, pháp luật. Đứng về khía cạnh tâm lý học và xã hội học, hẳn sẽ có những phân tích sâu sắc hơn từ các chuyên gia.

Khi đọc hay lướt qua những thông tin vốn được đăng tải đồng thời ở hầu như các trang báo, nhất là trên báo mạng và sau đó được link lại trên mạng xã hội, điều mà tôi luôn tự hỏi là, không biết khi đăng tải các thông tin này (và thường nhiều tin/bài báo bám và mô tả khá tường tận không chỉ về quá trình điều tra của cơ quan chức năng mà cả về sự hung bạo của thảm án; về những nỗi đau, nước mắt của người còn lại bằng những tính từ ám ảnh và cũng bắt đầu sáo mòn), các tác giả và nhất là các cơ quan truyền thông muốn đem đến điều gì cho người đọc? Liệu họ có cân nhắc những tác hại như lây lan và thực tế có vẻ như đã lây lan của tội ác như một thứ vi rút cực kỳ nguy hiểm cho xã hội? Liệu có thể xem đây như là một yếu tố câu view, một chỉ số rating? Nếu đánh đồng điều này thì quả là đau lòng cho cách thức truyền thông.

Chúng ta thường thấy bất cứ ở đâu đó, khi nào đó xảy ra một sự việc, một biến cố gì đó, rất đông người dừng lại hay dồn đến xem. Người này kéo theo người khác và đám đông ngày mỗi đầy thêm. Những tình tiết, câu chuyện, những đồn đoán chưa được kiểm chứng cũng như thế mà loang ra, lan đi. Có thể ban đầu chỉ vì tò mò và hiếu kỳ, nhưng có lẽ đó cũng là một trong những cơ hội để những điều không hay có cơ hội để phát sinh khi chúng được quan tâm thái quá. Và có điều gì là chung khi nói rằng việc một số người viết báo, một số cơ quan truyền thông đã thái quá trong việc đưa tin giống như đám đông hiếu kỳ và tò mò?

Có lẽ, thay vì đưa tin sâu về vụ án, hãy lưu ý đưa tin về sự trừng phạt của pháp luật, về sự trừng phạt nơi lòng người, về những mảnh đời bỗng chốc bơ vơ và những vấn đề xã hội khác. Về phương diện rộng hơn, đó phải là tính cảnh báo, là chia sẻ và đùm bọc, hỗ trợ nhau của cộng đồng, là sự lên tiếng chống lại cái xấu, kẻ xấu và tất nhiên là có quyền yêu cầu, đề nghị việc xã hội phải được bảo vệ tốt hơn, an toàn hơn từ các cơ quan thực thi…

Lê Bình