Nhà tôi có một tủ sách nhỏ của ba để lại. Từ năm lớp 4, lớp 5, tôi đã đọc được gần nửa trong số ấy là những tác phẩm văn học kinh điển của Việt Nam, Nga, Trung Quốc... Niềm say mê sách của tôi được nuôi lớn từ đó. Ngày ấy, sách truyện hiếm hoi, tôi phải mang những tác phẩm mình có trao đổi với bạn, thậm chí có lúc phải “bù” thêm bằng việc trực nhật thay hay chép bài giúp... Vào nhà sách, thấy những đứa trẻ cắm cúi ngồi ở khu vực đọc miễn phí, tôi chợt nhớ lại hình ảnh của mình ngày xưa.
Trong khi các phương tiện truyền thông đang cảnh báo sự xuống cấp của văn hóa đọc và những thư viện cấp tỉnh bị bỏ bê thì ở làng quê huyện Quảng Điền, người dân lại hăng hái đọc sách ở thư viện làng. Theo thống kê chưa đầy đủ, Quảng Điền có gần 30 thư viện lớn nhỏ, đặc biệt là sự xuất hiện của những thư viện cấp làng. Thư viện này đặt tại nhà văn hóa cộng đồng hoặc do một gia đình tự nguyện bảo quản, điều hành. Sách, truyện, báo được huy động nhờ những người làng hiếu học, thành đạt đang sống trong và ngoài tỉnh. Thư viện cũng có sổ theo dõi, thẻ đọc chẳng thua kém trên tỉnh; khác chăng là nguồn tư liệu đang còn hạn chế. Bạn đọc trung thành của thư viện là học sinh và các bác nông dân chân lấm tay bùn. Dù nguồn sách chưa đầy đủ, song, trong cảnh làng quê còn nhiều thiếu thốn, bấy nhiêu cũng góp phần đáp ứng nhu cầu giải trí, thông tin của bà con.
Một nhà nghiên cứu từng nói rằng, với trẻ em, những quyển sách được đọc không những có thể lưu lại trong trí nhớ mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển tương lai của các em. Nhằm tăng thêm tình yêu sách, một vài thư viện làng còn tổ chức các cuộc thi viết cảm nhận về những cuốn sách cho thiếu nhi, phần thưởng là tác phẩm mới hoặc tập vở. Kinh phí tổ chức đều trích từ tiền túi của những “thủ thư”, hoạt động ấy khiến văn hóa đọc ở các làng quê càng sôi nổi.
Điểm mặt, có thể tìm thấy những thư viện làng có “quy mô” như ở thôn Hà Lạc (xã Quảng Lợi), thư viện làng Giang Đông, làng An Gia (thị trấn Sịa), làng An Thành (xã Quảng Thành)… Mừng hơn, những người “thủ thư” không lương bổng đã dốc hết tâm huyết, kêu gọi người thân quen “gầy dựng” để nguồn sách phục vụ bạn đọc ngày càng dày dặn thêm. Đọc muôn quyển sách, đi muôn dặm đường, sách sẽ làm phong phú thêm đời sống văn hóa và bổ sung những khiếm khuyết về tri thức do khoảng cách vùng miền tạo ra. Được như vậy, đó cũng là nhờ những thư viện nho nhỏ dưới lũy tre làng.
L.Tuệ