Thế hệ chúng tôi chỉ còn được biết trên sách vở nhưng với rất nhiều người ở Huế, giờ đã là các cụ, các mệ thì khu nhà kèn công viên 3-2 là nơi mà hơn cả nửa thế kỷ trước họ vẫn thường được xem những buổi biểu diễn của dàn nhạc kèn hơi Toà Khâm sứ Trung Kỳ. Được thành lập lần đầu từ năm 1918 do Bùi Thanh Vân tổ chức, sau đó lần lượt là các dàn nhạc kèn hơi của Trần Văn Liêu (1919) hay dàn kèn hơi của đội lính khố xanh (1920) đã đánh dấu lần đầu xuất hiện một loại hình âm nhạc mới mang phong cách phương Tây ở Huế cũng như ở Việt Nam. Chính trên sân diễn này, khán giả Huế lần đầu tiên được làm quen với nhiều tác phẩm của các nhạc sĩ cổ điển lừng danh thế giới, như Chopin, Mozart, Schubert… cùng những bài hát “lời ta điệu Tây” đầu tiên.


Chiều thứ bảy, người dân Huế đã có 1 sân chơi mới bên nhà kèn. Họ đến rất đông để nghe nhạc kèn vui tươi

Với tôi, một trong số những khán giả chiều nay, không gian biểu diễn tại một trong những địa điểm đẹp và sôi động nhất Huế còn gợi lại những tháng năm đầu giải phóng với những buổi biểu diễn nhạc nhẹ ngoài trời ở cung An Định hay Thương Bạc của những đoàn ca nhạc xung kích Huế. Còn nữa là Festival Huế đã đem đến cho người dân Huế và những ai đang tìm đến với Huế những buổi chiều hay tối ngập tràn âm thanh. Có nhiều cách nhận xét về Festival Huế nhưng theo tôi, trước hết đó là festival âm nhạc. Ở Đại Nội và cung An Định, công viên 3-2 và công viên Thương Bạc, phía trước Trung tâm Văn hoá thông tin và sân bia Quốc Học, trên đường phố Huế và cả những vùng lân cận ven đô. Vậy nhưng, sau Festival là sự im lặng kéo dài...
Cảm xúc chờ đợi chương trình biểu diễn hàng tuần của dàn nhạc kèn Học viện Âm nhạc Huế ở nhà kèn công viên 3-2 do thế là điều có thể lý giải được. Nó đang đem đến cho Huế hôm nay nhiều điều đáng nói. Đó là bước tiếp tục truyền thống âm nhạc Huế hiện đại. Hay còn nói như nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Ban, trưởng dàn nhạc kèn, là một trong những hoạt động mới nhằm góp phần tạo thêm vẻ đẹp cho thành phố du lịch.


Đình Nam