Ông là một nhân vật trong bộ phim tài liệu quân đội Ngọn cờ Hiền Lương đang giao bưu thiếp của đồng bào miền Bắc gửi người thân miền Nam theo thỏa thuận hiệp định. Lần đầu được xem những thước phim này trong cầu truyền hình Khát vọng độc lập thống nhất năm 2008, ông vẫn không nhận ra mình...

Trong căn nhà rợp bóng cây ở Xuân Hòa, Hương Long, TP Huế, ông Liên quên cả căn bệnh tuổi già, vẫn hào hứng kể lại năm tháng không quên trong quãng đời nhà binh...

Ông Nguyễn Xuân Liên cùng vợ
Sinh năm 1932, năm 13 tuổi, ông Nguyễn Xuân Liên làm nhiệm vụ liên lạc cho Ủy ban Kháng chiến xã Hương Giang (Hương Long ngày nay) rồi được giới thiệu qua làm liên lạc cho Ban Tình báo quân sự khu C. Nhiệt tình, năng nổ, luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao, ông chuyển sang làm nhiệm vụ ở Công an Thừa Thiên Huế. Sau hiệp định Gènerve, ông Liên ra Bắc tập kết và trở thành chiến sĩ thuộc đại đội công an nhân dân, nhận nhiệm vụ bảo vệ giới tuyến quân sự tạm thời. Chiếc cầu Hiền Lương bị chia làm hai được cả thế giới biết đến là “dấu mốc” đất nước bị chia cắt suốt 21 năm trời. Đó cũng là khoảng thời gian đấu tranh không ngừng của nhân dân ta cho đến ngày nước nhà thống nhất.
Giai đoạn 1954-1956, theo hiệp định, đồng bào hai miền được tự do qua về cầu Hiền Lương. Một lần, ông Liên gặp một cụ già ra Bắc thăm con. Qua cầu, ông hỏi: Ra Bắc lần này, cụ nhớ cái gì nhất?Cụ đáp giọng run run: Nhớ lá cờ đỏ sao vàng. Câu chuyện ấy được ông cảm tác thành thơ và ghi vào nhật ký làm việc: Không ai có thể vá trời lấp biển/ Thì đừng hòng dùng vĩ tuyến ngăn ta/ Bắc – Nam chung một mái nhà/ Nam Bắc chung một ngọn cờ vàng sao.
Bấy giờ, đồn công an ta đóng ở bờ Bắc, một tiểu đội làm nhiệm vụ bảo vệ cầu. Ban đầu, đồng bào Xuân Hòa, Xuân Mỹ, Xuân Long (phía bờ Nam) đóng góp gỗ, tranh, tre; đồng bào bờ Bắc góp công sức xây dựng đồn - “tổ ấm” cho các chiến sĩ làm nhiệm vụ. Người dân còn là tai mắt, cung cấp cho cho lực lượng bảo vệ giới tuyến nhiều thông tin quan trọng. Các chiến sĩ trong đồn luôn đề cao cảnh giác và bám sát các hoạt động, diễn biến tình hình địch. Ngoài ra, ta còn phải tiến hành binh vận, xây dựng cơ sở. Đó là những cuộc đấu trí căng thẳng buộc các chiến sĩ luôn tỉnh táo, mưu trí và tránh bị kích động. Phần lớn là những cuộc đấu tranh chính trị: đấu loa, sơn cầu, thượng cờ rất quyết liệt và căng thẳng. Tuy nhiên, cũng có lúc ta tổ chức giao lưu thể thao, văn hóa giữa lực lượng làm việc hai đầu cầu vào những ngày lễ lớn.

Công an giới tuyến sang bờ Nam trao bưu thiếp của miền Bắc gửi người thân miền Nam theo thỏa thuận hiệp định. Ảnh: Internet

Dưới sự giám sát của Tổ Quốc tế 76, lực lượng hai đầu cầu phải chấp hành nghiêm các quy định đã nêu trong Hiệp định Gènerve. Mỗi lần thấy các hoạt động khả nghi, bên ta phải qua tìm hiểu xem thế nào. Trong thời gian làm nhiệm vụ, ông Liên từng đón nhiều đoàn khách Chính phủ cách mạng, các đoàn quốc tế đến công tác, đặc biệt là các nhà báo trong và ngoài nước. “Nhờ các nhà báo, tôi còn lưu giữ các bức ảnh kỷ niệm bên chiếc cầu lịch sử này. Đặc biệt có bức ảnh tôi xách hành lý đưa 4 người, trong đó có ông Tôn Thất Dương Kỵ ra Bắc. Đó là một trong những nhiệm vụ quan trọng được cấp trên tin tưởng giao phó”, ông Liên kể.
Bao nhiêu năm ở giới tuyến là bấy nhiêu năm ông Nguyễn Xuân Liên chứng kiến cảnh chia cắt đau lòng, vợ nhìn chồng bờ bên ni, bờ bên nớ mà không sao nói được thành lời: Cách một dòng sông mà đó đây thương nhớ/ Chung một nhịp cầu mà duyên nợ cách xa. Trong một lần được cử tham gia trại sáng tác do Trung đoàn 270 tổ chức ở Vĩnh Linh, chiến sĩ Nguyễn Xuân Liên đã sáng tác vở kịch Chiếc nón trôi sông. Mở đầu là cảnh chiếc nón bị gió hất ra giữa nước và trôi dạt từ bờ này sang bờ kia. Đó là hình ảnh người vợ bờ Nam gửi gắm tình cảm sang cho chồng trong cảnh ngăn sông cách trở. Vở kịch được công diễn nhiều nơi và được huy chương vàng tại Liên hoan nghệ thuật quần chúng thời bấy giờ. Tại Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ 2 diễn ra ở Hà Nội, sau khi vở kịch được biểu diễn, Bác Hồ gặp tác giả của Chiếc nón trôi sông. Bác hỏi: Chú ở đâu? Người chiến sĩ trẻ rưng rưng: Dạ, cháu ở miền Nam ra tập kết và đang làm nhiệm vụ bảo vệ giới tuyến quân sự tạm thời ở cầu Hiền Lương. Nghe vậy, Bác động viên: Chú khá lắm. Phải kiên trì, lấy chính nghĩa để thắng quân thù. Lời dặn của Hồ Chủ tịch khiến ông cùng đồng đội dốc tâm sức và trí tuệ, quyết hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Bám cầu, giữ địa đầu chiến tuyến ngày đêm, mãi đến khi Mỹ tổ chức đánh phá cầu ác liệt, ông Liên cùng đồng đội phải rút vào thôn Hiền Lương. Sau ngày giải phóng Quảng Trị, ông Nguyễn Xuân Liên tham gia giải phóng Quảng Nam –Đà Nẵng và công tác ở đó cho đến ngày nghỉ hưu. Với người cựu chiến binh, câu chuyện giới tuyến luôn gây xúc động cho ông cùng các con mỗi khi nhắc lại quãng thời gian hào hùng ngày trước. Trong những ngày cả nước kỷ niệm Ngày Quê hương hoàn toàn thống nhất, nỗi nhớ về những đồng đội đã hy sinh và sự đùm bọc của người dân Vĩnh Linh như trỗi dậy trong ông. Người công an gác giới tuyến năm xưa chỉ hối tiếc một điều là không giữ lại nguyên vẹn những kỷ vật, chứng tích một thời để lại cho các thế hệ sau.
Tuệ Ninh