Từ điển cả tiếng Anh và tiếng Pháp có chung từ bonsai, một từ bắt nguồn từ tiếng Nhật, có nghĩa là cây trồng trong chậu, cây nhỏ bé nhưng lại có dáng dấp cổ thụ, được tạo dáng rất công phu. Thật ra, chữ bonsai trong Nhật chỉ là đọc sự chệch chữ bồn tài (penzai) trong tiếng Hán. Đơn giản, bồn là chậu, còn tài là trồng, nghệ thuật trồng cây trong chậu để làm cảnh. Người Huế mình chỉ gọi đơn giản là kiểng (gọi trại chữ cảnh). Huế là thành phố vườn nổi tiếng, lại từng là kinh đô một mấy trăm năm nên dĩ nhiên cũng nổi tiếng bởi nghệ thuật chơi kiểng. Đã hình thành nên một phong cách Huế, tinh tế, quý phái mà tự nhiên trong cách chơi và tạo kiểng.


Mai chiếu thủy
Thời còn đi học, cách nay đã mấy mươi năm, tôi có anh bạn thân, nhà ở Thành Nội, nghèo nhưng nền nếp và gia giáo. Đặc biệt, có người cha rất mê chơi… cây. Dạo ấy rất khó khăn, nhà phải chạy ăn từng bữa một nhưng trong vườn nhà vẫn ngập tràn hoa trái và cây kiểng. Đã nhiều lần, tôi bắt gặp ông yên lặng bên tách trà, cả tiếng đồng hồ ngồi ngắm cây. Cũng đã rất nhiều lần, tôi được nghe ông giảng giải, để rồi gật gù về ý tưởng hay về cây kiểng. Bây giờ cứ mỗi lần ngắm xem cây kiểng, tôi lại mường tượng nhớ về ông. Nhớ cái dáng vẻ suy tư, hơi buồn, nghiêm nghị nhưng hiền lành và phúc đức.
Đồ rằng, cây kiểng được xem là quý giá ở tuổi tác, càng già càng quý; ở dáng vẻ của cây, càng kỳ lạ càng quý hiếm; và ở thần thái, phong cách của cây, càng trang nhã, quý phái càng quý. Còn nữa, với người Huế ta còn là sự gửi gắm tâm nguyện, là ý tưởng, ý thơ toát lên từ cây kiểng… Một thời khó khăn, cây kiểng có phần mai một. Còn hiện nay, có vẻ như cây kiểng lên giá, đi đâu cũng nghe bàn, giá cả có khi nghe mà giật mình. Cây kiểng nhiều trường hợp biến thành của biếu xén, trục lợi. Vốn dân dã, gần gũi bỗng trở nên xa lạ khi nó được định giá cả bạc tỷ đồng. Tôi đã rất ngạc nhiên khi ghé thăm nhà thầy giáo cũ, lần đầu tiên bắt gặp cảnh tượng một cây lộc vừng bị khoá lại bằng sợi dây xích và một ổ khoá to đùng !
Ở Huế, người ta vẫn đồn tụng về cây kiểng nhà ai đó. Vậy là xảy ra chuyện tìm cách đến thăm người sau, thăm cây trước. Cây kiểng đẹp ở dáng vẻ, ở thế cây… lại càng quý, càng sang trọng hơn khi được đặt ở những không gian hay vị trí phù hợp. Có khi, một cây kiểng nào đó chỉ thực sự hút hồn người xem trong dáng vẻ một mình cô độc, người xem có bạn tâm giao bên cùng để đàm đạo, chia sẻ… Bỗng chốc, từ Bắc vào và từ Nam ra, cả ngàn cây kiểng lẫy lừng giang hồ hội tụ về đây trong một không gian nhỏ bên bờ sông Hương. Chợt nghĩ, xuống phố trong đám đông bạn bè xa lạ, từng cây kiểng đẹp kia khó có thể phô trương hết nét hấp dẫn, sự quý phái của chính mình trong những không gian quen thuộc. Rồi lại nghĩ, cơ hội bao năm mới có một lần, đây là dịp để người ta chiêm ngưỡng những thế cây, dáng cây với những ý tưởng kỳ lạ. Quan sát rồi so sánh, chiêm nghiệm, và cũng để mà rút tỉa kinh nghiệm và học tập.
Tôi đã bắt gặp rất nhiều người cứ mãi ngẩn ngơ trên tuyến phố Nguyễn Đình Chiểu chiều nay… Và tôi hiểu, phô diễn cái đẹp giữa chốn đông cây, đông người cũng là sự cách tân trong nghệ thuật cây kiểng. Cái đẹp cần được chia sẻ.
Đan Duy