Nguyễn Xuân Hoàng là một trong những người làm văn chương như vậy. Chữ nghĩa của Hoàng tài hoa ở mọi thể loại. Được đánh giá là một trong những nhà văn trẻ đầy nội lực, Nguyễn Xuân Hoàng đã được mời về giữ vị trí Trưởng Ban biên tập tạp chí Sông Hương cách đây đúng năm năm, cũng là ngần ấy thời gian anh ra đi mãi mãi trong sự ngỡ ngàng của người thân và bạn bè, sau khi mới in được hai tập sách trong đời văn của mình.

Từ đó đến nay, bạn bè thân hữu đã tập hợp và in thành hai đầu sách, Hồn Mai xuất bản năm 2007 và bây giờ là tuyển tập thơ, truyện ngắn và bút ký chân dung nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với nhan đề Cõi tạm phù hoa.
Bỏ qua trật tự quen thuộc theo quán tính, những người bạn làm sách cho Hoàng đã có chủ ý khi giới thiệu với người đọc phần truyện ngắn, rồi mới đến phần ký chân dung Trịnh Công Sơn và sau hết là thơ. Đó cũng là một cách giới thiệu con người tác giả.

Bìa trước và bìa sau tập sách Cõi tạm phù hoa.
Thông qua lăng kính nghệ thuật của những hình tượng trong tác phẩm, người đọc mới bắt đầu phần nào nhận diện được cảm quan của người viết. Những hình tượng nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Xuân Hoàng thường được đẩy lùi vào quá khứ, bước ra từ quá khứ để đến bên cạnh, ngồi cạnh con người hiện tiền. Nên giọng văn của anh không mang màu sắc hiện đại mà cứ mang mang nét hoài thương xưa cũ, nhưng lại khiến những người đa mang văn chương nhớ hoài mãi không thôi. Bởi trong những truyện ngắn của mình, Nguyễn Xuân Hoàng đã thể hiện một tình yêu cội nguồn bắt đầu từ chữ tri âm tri kỷ đến cả từng cỏ cây.
Với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Hoàng đã thể hiện tình yêu mến của mình không giấu kín. Như hầu hết những người yêu nhạc Trịnh, Hoàng đã thổ lộ qua những trang viết bằng một hệ thống của các điểm nhìn. Hơn 133 trang viết về người nhạc sĩ tài hoa ấy, có lẽ, thoạt tiên Hoàng muốn dành riêng cho người nhạc sĩ mình yêu mến hẳn cả một tập sách. Nhưng đời người hữu hạn, âu thế này Hoàng cũng đã ngậm cười nơi chín suối. Bởi trong đời sống của mình, anh đã từng nhìn thấy: Như Trịnh Công Sơn, khi đã đi qua bao nhiêu bể dâu đời người, đã nếm đủ niềm vui và nỗi buồn, những trái ngọt và quả đắng... ngày nọ ngồi một mình trong căn phòng tối, ngắm bóng đêm hun hút cô độc dưới chân mình, ông chợt hiểu “Tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người”, là một chân lý cụ thể, nó trực quan nên không thể bác bỏ được.
Thơ Nguyễn Xuân Hoàng giàu tình yêu thương. Dù viết về tình yêu, thân phận hay nỗi buồn, thì bao giờ giọng điệu cũng dịu dàng như chính tình cảm của anh dành cho cuộc đời. Ngay cả trong dự cảm về tương lai, những câu thơ của Hoàng cũng buồn da diết: Rồi một ngày / Tôi nằm lại một mình trên đồng lạnh/Mùa đông / Mưa mịt mùng ướt chiếc áo quan / Co ro trong chiếc áo quan lạnh giá / Tôi muốn đội mồ lên ngồi quanh quẩn bên em/Như quanh quẩn bên nỗi buồn/Của riêng tôi ngày nọ… Những câu thơ như một nỗi ám ảnh thường trực của tâm hồn mẫn cảm trước cuộc đời. Để sau này khi về với cỏ cây, Hoàng để lại một câu thơ khắc trên bia mộ mà mỗi lần đến viếng, tâm hồn chị em nhi nữ không khỏi chạnh lòng: “Ta đi bỏ lại trên thềm vắng/ Một đóa vô thường em hái không?”.
Tài hoa và đa tình, chàng trai trẻ tuổi ấy để lại trong những trang sách những câu chữ đáng đọc. Vì thế mà 5 năm trôi qua kể từ khi con người ấy ra đi, những trang viết lại đươc bạn bè cẩn trọng nâng niu ra mắt người. Như nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, chủ biên tập sách này đã thốt lên: Văn của Hoàng đẹp là cũng bởi từ cách sống đẹp của Hoàng. Đọc văn Hoàng, người ta sẽ hiểu Huế hơn và yêu Huế hơn. Có lẽ đó là một trong những sứ mạng mà Hoàng đã cày cục trên cánh đồng văn để hầu mong trả nợ bát cơm Phiếu Mẫu ở đời...
Đông Hà