Không thể không thắc mắc, con gái tôi hỏi vì sao trên tay ai cũng có một chiếc cưa và họ làm gì mà đứng hoài giữa phố đông người? Tôi nói với con về những chợ lao động ở Thủ đô, nơi mà những người đàn ông, đàn bà và có thể là những cô, cậu trạc tuổi con nữa từ nhiều tỉnh lân cận lên tìm một công việc, có thể là vào lúc nông nhàn, nhưng nhiều hơn là mọi người đã coi đó như một sinh kế. Không biết cô con gái có hiểu hết những khái niệm xem ra hãy còn quá mới mẻ với mình hay không, nhưng câu chuyện giữa mẹ và con bị ngắt quãng đi trong giây lát. Những bước chân của tôi cũng phải chậm lại chờ bước chân con. Khi rẽ sang một con đường khác, con gái tôi hỏi mà chừng như không phải để có câu trả lời: Mẹ, có khi mô họ phải chờ đến nản lòng không? Mình qua đó đến hơn 10 phút mà con vẫn chưa thấy ai có khách đến tìm. Mẹ, mẹ có nhìn thấy những ánh mắt ngong ngóng đó không…?
Tìm một cách giải thích nhẹ nhàng nhất mà mình có thể, tôi nói với con vài điều về dòng chảy cuộc sống, về những nhu cầu nội tại thiết thân mà không phải ai cũng có cơ hội để giải quyết nó một cách dễ dàng. Đằng sau những đôi mắt mong ngóng bên hè phố ấy, chắc chắn là cả một gia đình với bao điều phải lo toan, có khi chỉ mong đợi đủ để khỏa lấp chuyện cơm áo thường ngày. Chờ đợi ấy không chỉ là phân công lao động mà nhiều hơn là một sự tìm kiếm. Hàng ngày. Không được phép mỏi mệt.
Tôi định nói rằng, những đôi mắt mong ngóng bên hè phố mà con thấy, chắc chẳn là khác hẳn với những chờ đợi mà con và những người bạn như con đang có. Về điều mà tôi mong muốn là con gái biết mình có những thuận lợi gì và biết cách tận dụng nó để tìm ra những con đường, những lối đi, ra với dài rộng của cuộc sống, cho dù đó không phải là đường chân trời hay một đỉnh cao nào. Nhưng thôi, có lẽ điều mà con nhìn thấy, về những ánh mắt mong ngóng cũng đã là một sự thể hiện mà tôi chờ đợi.