Thật ra thì tôi không gặp anh thường xuyên. Chỉ một ít khi ghé thăm nhà bác họ, hoặc trong những dịp kỵ giỗ. Phần vì công việc liên miên. Phần vì anh cũng chẳng mấy khi ở nhà. Xuất ngũ sau mấy năm ở bộ đội, anh trở thành nhân viên bảo vệ của một khách sạn, rồi trở thành chồng của con gái bác tôi. Họ có hai cô con gái và cuộc sống cứ thế nối nhau theo ngày. Mỗi lần ngang qua nhà anh chị đã được xây lên sát bên đường, tôi nghĩ cuộc sống đã ổn định trong sự sắp đặt của nó. Con gái của anh chị cũng rất ngoan. Cô đầu đã là sinh viên năm 4 và cô út vừa vào lớp 11.“Chị đừng khóc trước mặt anh nhé. Kiên cường lên để cùng anh chiến đấu nào!” Dù có vẻ sách vở, nhưng tôi đã nói vào tai chị điều ấy. Cũng chỉ vì tôi cố để anh bớt đi chút ít đau đớn ngoài nỗi đau thể xác.

“Anh lại chiến đấu nhé!” tôi nhắc lại điều ấy khi nắm bàn tay gầy yếu của anh. Bảo là “lại”, vì anh đã xa vợ con sau xin nghỉ một cục để rời nhà ra Nghệ An, kiếm chân phụ giúp ở một cửa hàng bán vật liệu xây dựng. Lương phụ bếp của chị cũng nhẹ, các cháu có nhiều khoản cần chi phí, nhất là món nợ làm nhà ròng rã mấy năm vẫn chưa xong…

Hôm kia tôi ghé thăm anh lần cuối, khi chiếc xe cứu thương của bệnh viện cũng vừa lăn bánh. Cơn đau đã chấm hết. Chỉ có nước mắt lăn dài trên má chị, trên má hai cô con gái. Rồi khi trở về, tôi đã ngồi thừ xuống ghế và nghĩ, té ra mình cũng vô tâm quá chừng khi cứ nhìn ngôi nhà của anh chị và nghĩ mọi thứ đã ổn. Tôi nghĩ về sự trống trải, hẫng hụt không dễ lấp đầy nơi căn phòng chưa có cửa. Cái kệ bếp không được che chắn. Cái cầu thang đã mấy năm rồi chưa thể đóng gạch và không có cả tay vịn.

Mẹ con chị rồi sẽ phải quen với sự thiếu vắng anh trong ngôi nhà của họ. Nhưng tôi thì đã bước ra ngoài và lặng đi vì nhận ra mình đã quá vô tâm.

Nguyễn Bình Phương