Không chỉ tự hào là một trong những cái nôi của báo chí cách mạng Việt Nam, báo chí Huế còn thể hiện bản lĩnh tranh đấu cách mạng kiên cường. Mẹ của nhà báo cộng sản Hải Triều là Đạm Phương nữ sử, nổi tiếng với những bài báo đấu tranh cho nữ quyền, bình đẳng giới. Cùng thời với Hải Triều, ở Huế xuất hiện những tờ báo cách mạng mà tên tuổi của nó đã trở thành niềm tự hào của báo chí Việt Nam, như Nhành Lúa, Sông Hương tục bản, Dân… hay như tờ báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng, được xem là tờ báo yêu nước đầu tiên, có tuổi thọ lâu nhất. Trong điều kiện bị sự ngăn cản, o ép của thực dân, những tờ báo trên ra đời như một sự tiếp nối, không ngừng nghỉ. Tờ báo này bị cấm đoán, bị đình bản, lập tức xuất hiện tờ báo kế thừa, cùng một tiếng nói, một mục tiêu đấu tranh.   

Những năm tháng chống Mỹ cứu nước, những tờ báo “ở rừng” như Thống Nhất thời kỳ đầu, hay như sau này là Cờ Giải Phóng là niềm tự hào lớn. Còn nữa, thành phố Huế được biết đến như một trung tâm hàng đầu của phong trào đấu tranh ở đô thị mà nổi bật là các hoạt động báo chí yêu nước của sinh viên, học sinh Huế. Chất lửa ngùn ngụt là điều có thể cảm nhận được từ các tên gọi của các tờ báo, như Quật Khởi, Vùng lên, Cứu lấy quê hương trước đó, hay Tiếng gọi sinh viên, Tự quyết sau những năm 1970. Báo chí đã “xuống đường” trong cuộc đấu tranh thống nhất Tổ quốc. Những bài báo được viết ra, những tờ báo được xuất bản như một sự thôi thúc mãnh liệt của con tim hừng hực. Báo chí Huế trở thành phần không thể thiếu, là vũ khí đấu tranh cách mạng sắc bén.
Mới bước vào nghề báo tại Huế những năm đất nước đổi mới, tôi may mắn được chứng thực không khí báo chí sôi động, đầy tính phản biện xã hội và tinh thần đấu tranh vì một xã hội Việt Nam ngày càng tốt đẹp hơn gắn liền với sự nghiệp đổi mới đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo. Tôi nhớ, số báo Bình Trị Thiên ngày 2/6/1987 đăng toàn văn nội dung bài báo “Những việc cần làm ngay” của tác giả NVL. Ngay sau đó, cũng chính trên tờ báo này liên tục xuất hiện những phóng sự, điều tra chống tiêu cực và tham nhũng. Chỉ tính từ tháng 5 đến tháng 10/1987, Báo Bình Trị Thiên lúc đó đã nêu lên trước công luận 82 vụ việc, một con số quá ấn tượng. Gần 25 năm đã đi qua mà vẫn in đọng trong tâm trí tôi một bài báo lớn của một nhà báo lớn và một người bạn lớn - Nguyễn Quang Hà.  
Người Huế nổi tiếng về nét dịu dàng và cũng nổi tiếng về sự thâm trầm, mãnh liệt. Tôi đã nghĩ đến sự đồng điệu trong bản tính con người Huế và nghề báo. Tôi cũng cảm nhận được chất thép như một sự xuyên suốt trong hành trang báo ngót nghét gần 100 năm của mảnh đất xứ Thần kinh. Mạch nguồn đó cần tiếp tục được phát huy và khơi dậy.
Đan Duy