Lầu Tứ Phương Vô Sự, bức ảnh xưa còn lưu được. Ảnh: Internet

Người Huế tự hào đang sống trên vùng đất di sản và người Huế cũng đã và đang cố tìm cách sống cho xứng đáng với di sản lớn lao mà cha ông để lại. Câu chuyện xảy ra ở lầu Tứ Phương vô sự là điều đáng để suy nghĩ. Ở Huế, Lầu Tứ Phương vô sự là công trình hiếm hoi của hoàng cung quay mặt về phía bắc và cùng với cửa Hòa Bình làm nên một tổ hợp kiến trúc độc đáo biểu thị cho ước vọng hòa bình của triều đại nhà Nguyễn. Công trình nguyên là đình Tứ Thông, xây dựng vào thời Gia Long thứ 3-1804, sau đó đến thời vua Đồng Khánh được tháo dỡ hoàn toàn vì không có điều kiện sửa chữa trùng tu. Năm 1923, vua Khải Định cho xây dựng tại đây một tòa lầu làm nơi nhà vua, hoàng gia lên hóng mát, ngắm cảnh, là nơi học tập hằng ngày của các hoàng tử, công chúa và đặt tên là Tứ Phương vô sự lầu.

Nhớ 10 năm trước, tôi có dịp vào Bạc Liêu. Cũng như nhiều người, Bạc Liêu gây ấn tượng đặc biệt với tôi bởi toà nhà của vị công tử giàu có xứ Nam Bộ nổi tiếng ăn chơi này ngay tại trung tâm thành phố. Lúc đó, công trình vẫn còn giữ nguyên những nét vẻ xưa cũ. Xem cảnh, lại nghĩ đến chuyện xưa mà mình có dịp đọc sách hay nghe kể. Tôi nhớ, mình cứ có một cảm giác ngây ngây đến khó tả. Một anh bạn thân đã nói đùa mà thật, rằng tỉnh Bạc Liêu phải nhớ đến công lao của ông nhà giàu kia đã giúp thiên hạ biết đến vùng đất xa tít ở tận cùng phương Nam này. Vậy mà, mới đây vào lại Bạc Liêu, tìm đến ngay địa chỉ xưa, tôi đã cảm thấy thất vọng. Ngôi nhà công tử vẫn còn nhưng không gian xưa thì tìm chẳng thấy. Thay vào đó là một khu dịch vụ du lịch với cụm nhà hàng, khách sạn Công tử tân thời và xa lạ. Tôi đã có một cảm giác mất đi hoài niệm đẹp. 

Lầu Tứ Phương Vô Sự sau khi được trùng tu. Ảnh: Internet
Phản ứng của dư luận gần đây về địa chỉ di tích lầu Tứ Phương vô sự được sử dụng để mở dịch vụ cà phê ồn ào một lần nữa đặt ra vấn đề về việc ứng xử, bảo tồn và khai thác những giá trị di sản. Dưới con mắt của nhiều người, nói như kiểu Huế ta, đây là một “cái chén kiểu” sang trọng. Trong mỗi gia đình, muốn giữ được “cái chén kiểu” thì phải có những cái chén đất để sử dụng hằng ngày. Chủ nhân có nó cũng phải biết ý tứ khi dùng, chưa kể lắm khi cũng phải khắt khe với con cháu hay người bên ngoài để giữ được lành lặn, không gây nên sự sứt mẻ, làm mất đi vẻ đẹp của “cái chén kiểu”. Thu dấu một chỗ chẳng ai hay là điều không nên. Đụng đến cũng là điều phức tạp, với lắm sự phiền phức. Nhưng rõ ràng, nó phải được đặt đúng chỗ, sử dụng đúng dịp, đúng mục đích để có thể giữ được thể diện, sự trang trọng, tạo nên sự thích thú, tò mò cần thiết.
Đan Duy