Khi còn bé, ngày chạp họ là một dịp thật trọng đại. Cả họ mổ một con lợn to. Lũ trẻ mừng vì được nghỉ một buổi học và được ăn một bữa no. Thời thiếu đói ấy, miếng mỡ lợn sao mà thơm đến thế. Thơm đến tận bây giờ.

Ngày chạp là dịp để đoàn viên. Để thấy thời gian qua đi thật nhanh khi cái  chạp này thiếu vắng đi một người, cái chạp khác lại có thêm một thành viên mới đang lẫm chẫm lớn lên. Có khi là cái vui của một người đi xa, biền biệt mới tìm về tông, tổ.

Ba là con trai một. Bà nội làm lẽ. Một phụ nữ làm lẽ, một mình nuôi con cách đây cả thế kỷ, hẳn nội đã rớt rất nhiều nước mắt. Vậy mà  khi chưa kịp trưởng thành, ba đã chọn một ngả rẽ cho đời mình, đi theo cách mạng.  Sau này, trước khi trăm tuổi, ba nói hãy để ba được nằm lại cạnh nội. Có lẽ ba tin rằng, sau cả đời người khắc khoải chờ đợi, ba và nội sẽ được đoàn viên, được gặp lại ở một nơi nào đó, để bù đắp cho nội.

Cái chạp năm nay đúng lúc tuyển sinh đại học. Chuyện được bàn  là việc chọn trường cho hai đứa cháu. Một đứa suýt soát đỗ kiến trúc, cứ mong học lại, thi năm sau vì đam mê. Nhưng nếu đỗ, học kiến trúc ra, việc đâu mà làm? Thế là quyết cho con học cái nghề trung cấp điều dưỡng cho yên. Dễ xin việc.

Một đứa nữa đậu vô ngành ngoại ngữ. Nhưng bây giờ ngoại ngữ nhiều vậy, học xong biết sao? Hay là cho lấy chồng? Một trai trẻ cùng làng, không học nhiều nhưng tử tế, khỏe mạnh, có nghề vững, có của ăn, vốn để? Cuộc đời con người là vậy, có lúc phải ở ngả ba đường, phải đứng trước những ngả rẽ mà mỗi sự chọn lựa sẽ dẫn đến những bến bờ khác. Và bến bờ sẽ ra sao khi nhiều lúc, con người không thể tự chọn cho mình một lối rẽ? 

Nhưng buổi sum họp hôm ấy còn có một niềm vui khác. Một đứa cháu vừa được thăng chức. Ở quê, vào Quốc Học, đỗ bách khoa, làm cho một công ty Nhật. Rồi tự học ngoại ngữ, tự nhảy việc, tự chọn cho mình một con đường. Và như một lẽ thường, câu hỏi đặt ra là cái chức tổng giám đốc vừa được bổ nhiệm sẽ cho thu nhập bao nhiêu?

Không nói về thu nhập. Cũng không nói nhiều công việc, hôm ấy cháu hỏi tôi, rằng nếu có điều ước, o ước điều chi? Ước mơ là một thứ  xa xỉ không mất tiền. Và tôi ước nhiều lắm: Sức khỏe. Tiền bạc…Còn cháu? “Con ước đất nước Việt Nam sẽ hùng cường”. Câu trả lời của cháu khiến tôi bất ngờ. Thế mà cứ tưởng, theo lẽ thường, cháu sẽ ước có một cái ô tô thật xịn để tiện và cho oai. 

Chợt nhớ đến những giấc mơ con trong thơ Chế Lan Viên. Những ước mơ cơm áo, với sự vun vén cho riêng mình. Và ngày nay, dường như người ta đã quen chọn một ngả rẽ đời thường nào ngắn hơn, dễ dàng hơn, êm ấm hơn… Bây giờ thì tôi đã hiểu vì sao, cái công ty chuyên về nhân sự ấy của Nhật đã chọn cháu. Dĩ nhiên, khi ai đó biết mơ ước lớn hơn, biết nghĩ về quốc thể, hẳn họ sẽ biết cống hiến.

Nhật Nguyên