Giàu mà bệnh, giàu mà chết sớm, giàu mà chất lượng sống không có, còn để lại di hại cho cháu con hậu thế thì giàu để làm gì? Vậy cho nên, môi trường đã trở thành một trong những vấn đề bức thiết, được nhân loại quan tâm nhất hiện nay. Những cụm từ như tăng trưởng xanh, phát triển bền vững...cũng vì thế mà trở nên ngày càng quen thuộc. 

Tại Việt Nam, sự trả giá cũng đã hiển hiện rất rõ ở những thành phố công nghiệp, những địa phương có “tăng trưởng nóng”. Đó cũng chính là bài học quý cho Thừa Thiên Huế trong hoạch định hướng đi cho mình. Tăng trưởng, phát triển, thu hút đầu tư nhưng không phải bằng mọi giá.

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV vừa kết thúc cách đây mấy ngày. Trong các chỉ tiêu chủ yếu được đề ra trong nhiệm kỳ mới, vấn đề môi trường đã được đặt ra rất rõ trong chỉ tiêu số 14: “Ổn định độ che phủ rừng từ 57-58%; 95% các khu đô thị, 70% khu công nghiệp, các cụm công nghiệp và làng nghề có hệ thống thu gom, xử lý nước thải, chất thải rắn; ...”. Đặt lên bàn nghị sự của đại hội, cho thấy tỉnh rất nghiêm túc trong câu chuyện môi trường. Và đó là điều vô cùng diễm phúc cho xứ sở núi Ngự sông Hương.

Tuy nhiên, sẽ qúy hóa hơn nữa nếu con số “70% khu công nghiệp (KCN), các cụm CN và làng nghề có hệ thống thu gom, xử lý nước thải, chất thải rắn” được quan tâm “điều phối” trong quá trình triển khai thực hiện. Với góc độ một người dân xứ Huế, chúng tôi mong muốn chỉ tiêu này cần phải tăng thêm nữa, đến mức càng tuyệt đối càng tốt. Bởi lẽ, theo chúng tôi, chất thải, nước thải ở các KCN mới là vấn đề của vấn đề. 70% nghe là nhiều, nhưng 30% còn lại (nước thải, chất thải không được xử lý) là con số rất đáng quan ngại, nhất là trong xu thế, tốc độ phát triển sản xuất như hiện nay. “Kinh nghiệm xương máu” cho thấy, chỉ cần nước thải của một nhà máy thôi, nếu không được xử lý tốt cũng đủ để “giết chết” cả một dòng sông chỉ trong vài năm, nói gì là cả KCN. 70% chỉ nên là con số phấn đấu để khắc phục đối với những làng nghề, những KCN đang ở trong tình trạng “sự đã rồi”. Còn với những KCN mới, những cụm CN và những làng nghề mới, con số này phải đạt tuyệt đối 100%. Những KCN, cụm CN, những làng nghề nào mới hình thành, nếu chưa có hệ thống thu gom, xử lý chất thải, nước thải đạt chuẩn và triệt để thì cương quyết chưa cho hoạt động. Bởi nếu không như vậy thì tương lai phải trả giá, thậm chí có thể trả giá rất đắc. Sự cương quyết ấy cũng chính là để bảo vệ mục tiêu xây dựng đô thị “Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường” mà chủ đề Đại hội đã nêu ra và toàn tỉnh đang nỗ lực hướng tới.

Hiền An