Làm công nhân mà càng có trình độ thì càng hay chứ sao! Nhưng tại sao họ lại không nhận? Tưởng chừng nghịch lý nhưng mà rất có lý. Ở đây có mấy khả năng xảy ra đối với nhà tuyển dụng.

Với công việc may mặc, chỉ cần người có trình độ lớp 12 là đủ với họ. Những người có trình độ như vậy, họ yên tâm với công việc của mình. Mà sự yên tâm của người lao động là một trong những động lực giúp họ rèn giũa tay nghề. Về phía nhà tuyển dụng, đặc biệt là ngành may mặc, một ngành cần nhiều nhân công, sự ổn định về mặt nhân lực sẽ giúp cho công ty yên tâm triển khai các kế hoạch sản xuất kinh doanh. Dù anh có học đại học hay cao học, khi tuyển dụng họ chỉ trả lương theo vị trí việc làm, hiệu quả anh làm ra chứ không ai dại gì trả lương theo bằng cấp, cho nên, rất có thể họ không tuyển dụng người có bằng cấp cao, rất có thể, họ nghĩ rằng: Những người này chỉ làm tạm thời trong khi chưa kiếm được việc khác. Tư tưởng đã không ổn định thì khó mà có sự gắn bó lâu dài, làm việc có hiệu quả cao…

Rõ ràng, đối với một công việc cụ thể, như may mặc vừa nêu, những người có bằng đại học đã không cạnh tranh lại với những người có bằng cấp thấp hơn. Đây là một sự “ngược đời”. Nhưng nó là một sự thật hiển nhiên ở khắp nước ta. Ở Huế, chúng ta cũng bắt gặp nhan nhản sinh viên ra trường không tìm được việc làm. Buổi sáng cứ vào các quán cà phê mà xem. Buổi chiều cứ vào các quán nhậu mà xem. Những người phục vụ ở đây, hỏi ra phần lớn là sinh viên. Đèo bòng 04 năm đại học, ra trường lại đi làm những công việc hết sức đơn giản, tiền công thấp không thể tưởng tượng được, không thể nào nuôi sống bản thân.

Vừa rồi, Bộ Giáo dục và Đào tạo có chủ trương sắp xếp lại hệ thống đại học theo hướng hạn chế, vì nhiều lý do, trong đó có lý do chất lượng đào tạo không đảm bảo. Điều này có nghĩa, chủ trương mở rộng đại học đã có những sai lầm. Chính chủ trương này đã thúc đẩy nhiều người bằng mọi cách phải có bằng đại học. Và nó đã trở thành một ý thức xã hội. Một khi ý thức xã hội nó “vênh” với hiện thực xã hội thì dẫn đến những nghịch lý như vừa nêu.

Nhưng một phần cũng từ gia đình và bản thân người đi học. Đầu tư cho một người đi học đại học tiền của không ít. Việc nâng cao trình độ là một việc, nhưng không ai hoặc ít ai chỉ một mục tiêu là học để nâng cao trình độ mà đi kèm một lý do nữa là, sẽ có nhiều cơ hội việc làm hơn và họ kỳ vọng vào một công việc tốt, một vị trí xã hội tốt… dù mình có đủ trình độ năng lực hay không, mình có đủ sức để cạnh tranh với nhiều người khác hay không. Nghĩa là yếu tố kinh tế đã tính đến. Xét tổng thể bài toán kinh tế đầu tư cho đại học đã thất bại, “lỗ nặng”. Một nguồn lực xã hội bị đánh mất rất uổng phí.

Cái câu chuyện tuyển dụng nguồn nhân lực của nhà may mặc, nó đưa ra một thông điệp, muốn có một việc làm, không chỉ duy nhất một con đường là phải học đại học. Và nữa, nó nói lên sự khôn ngoan, tính thực tiễn là lấy hiệu quả làm thước đo tuyển dụng.

Nhân đây cũng xin nói về cách tuyển dụng của các cơ quan đơn vị hưởng lương Nhà nước. Cứ tuyển dụng là họ đòi hỏi trình độ đại học. Tại sao lại như vậy? Trong một đơn vị thường có nhiều vị trí công việc khác nhau. Có những vị trí không cần đại học mà cũng nhất nhất phải là đại học. Đã trình độ đại học phải trả lương theo ngạch bậc đại học. Cách tuyển dụng này rất khác với nhà doanh nghiệp, thiếu tính thực tiễn, lãng phí.

Thời gian vừa qua, Bộ Nội vụ triển khai việc các địa phương, các cơ quan đơn vị xây dựng đề án vị trí việc làm, nhưng xem ra việc triển khai rất ì ạch.

Lê Phương