Tìm tòi và chiêm nghiệm, điều mà tôi cảm nhận sâu sắc và thấm thía, rằng có một giá trị Huế, thấm đẫm và xuyên suốt từ hàng trăm năm nay là truyền thống học thuật gắn với sự ra đời của những công trình nghiên cứu để đời. Kế tục mạch nguồn và tinh thần của BAVH, những năm gần đây ở Huế, tôi đặc biệt tâm huyết đến tạp chí Huế Xưa và Nay cùng ấn phẩm Nghiên cứu Huế.

Tạp chí Huế Xưa và Nay đã có 19 năm tuổi. Với tạp chí Huế Xưa và Nay, ra đời trước cả tạp chí Xưa và Nay của Hội Khoa học Lịch sử, người Huế lại đi tiên phong trong nghiên cứu các vấn đề lịch sử nói riêng, nghiên cứu - khảo cứu nói chung. Hiện duy nhất chỉ có Hội Sử học Thừa Thiên Huế có cơ quan ngôn luận. Gần 2 thập kỷ tồn tại trên vùng đất di sản, Huế Xưa và Nay đã đóng góp tích cực vào sự nghiệp quảng bá văn hoá, phát triển du lịch địa phương; trở thành cuốn từ điển văn hoá cho những ai quan tâm đến lịch sử, đến văn hoá Huế.

Tập san Nghiên cứu Huế lại có một cuộc sống lạ. Cụ Nguyễn Hữu Đính, tốt nghiệp Trường cao đẳng Nông lâm súc Hà Nội hồi đầu thế kỷ 20, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong chế độ cũ cũng như sau năm 1975. Là kỹ sư thuỷ lâm, nhưng cụ rất ham hoạt động xã hội, đặc biệt là rất mê sách. Lương tiền, cụ dồn cho việc sưu tầm sách. Sinh thời, ông cụ có 4 ước nguyện lớn: Mở một thư phòng; ra tập san nghiên cứu Huế; làm một bộ từ điển bách khoa về Huế; và thứ nữa, cụ khao khát được lập một uỷ ban để nghiên cứu rốt ráo, tận gốc mọi vấn đề về Huế; để từ đó thấy được Huế mình có cái gì hay, cái gì mạnh mà phát huy; cái gì yếu, cái gì dở mà chế ngự. Ấn phẩm Nghiên cứu Huế đến nay đã ra được 7 số do chính người con là nhà sử học Nguyễn Hữu Châu Phan thực hiện.
 
Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn viết về Nghiên cứu Huế, rằng thành phố của sông Hương núi Ngự trên đường tự tìm lại chính mình ở đó qua các công trình nghiên cứu đáng gọi là có chất lượng khoa học. Chẳng những trong từng bài vở cụ thể mà cả trong quan niệm chung toát ra qua các bài vở ấy, bộ sách như muốn đạt tới vẻ đẹp cổ điển, nó là cả một sự thách thức đối với tình hình nghiên cứu vốn khá luộm thuộm hiện nay. Đấy lại là một bất ngờ đầy thú vị mà Huế và người đất Huế dành cho chúng ta.
 
Tôi nghĩ, từ BAVH cho đến Huế Xưa và Nay, Nghiên cứu Huế là cả một truyền thống đẹp. Nó cũng là bằng chứng sống động về Huế với tư cách là một trung tâm văn hoá của đất nước. Biểu tượng của khoa học là đam mê, sự dấn thân và hy sinh. Khơi dậy và phát huy những giá trị truyền thống đó là góp phần làm đẹp, làm giàu cho vùng đất di sản, hội nhập với thế giới hôm nay.
 
Đan Duy