Thông tin liên quan:

>> Xây mới bia rùa trên đèo Hải Vân: Yêu cầu tạm dừng nhưng công trình vẫn thi công

Về nguyên tắc, đã trùng tu thì phải cố phục hồi, giữ lại cái cũ. Bất đắc dĩ, không giữ được mới làm cái mới. Cái mới ấy cũng phải đúng, phải chính xác so với nguyên mẫu. Thế nhưng quá trình trùng tu bia rùa, chính quyền địa phương lại để cho các thợ xây đập nát tấm bia cũ. Riêng cụ rùa cõng bia, vẫn còn gần như nguyên vẹn, lại bị thay bằng một con rùa khác, mà con rùa mới này, đối chiếu với rùa cũ thì hoàn toàn khác lạ, lộ rõ sự vô cảm và kệch cỡm. Và bức xúc hơn nữa là, khi công trình đã khởi công, cơ quan chức năng đã có biên bản đề nghị dừng lại để báo cáo tình hình, đề xuất hướng giải quyết nhưng chính quyền thị trấn Lăng Cô vẫn tiếp tục cho xây dựng, đẩy vấn đề đi xa hơn với những vi phạm kép.

Rùa cũ bị bỏ rơi cạnh nhà bia khang trang vừa hoàn thành tại hòn Rùa

 

 Mảnh vỡ bia rùa (có khả năng là công trình kỷ niệm sự kiện khánh thành tuyến đường sắt qua đèo Hải Vân đầu thế kỷ 20)

Vì sao phải bỏ bia rùa cũ, xây bia rùa mới, dư luận địa phương xôn xao một lý do. Đó là tại vị trí đặt bia rùa đã hai lần xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng, làm nhiều người chết. Cụ rùa bị xe lật đụng vỡ, nằm gục đầu khiến người dân “làm ăn không nên nổi”. Cán bộ địa phương “hay xảy ra chuyện”, không “trưởng thành”, nhiều đời bị cách chức, ảnh hưởng đến tâm linh, tinh thần của người dân địa phương !!!.

Bất chấp dư luận. Bất chấp luật lệ. Với những chuyện tâm linh ngụy biện. Giờ đây, một nhà bia khang trang đã mọc lên ngay tại hòn Rùa. Bên trong, bia và rùa mới đã ấm thân. Bên ngoài, bia cũ bị đập nát vẫn còn vương vãi những mảnh vỡ. Rùa cũ bị hắt hủi, nằm cô đơn, lạnh lẽo trên tấm bê tông thấp tè. Đúng như phát biểu của ông Lê Văn Thuyên, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế với báo chí: Làm bia mới như thế thì không có ý nghĩa gì cả, là phi văn hóa... Nếu không đập bỏ thì chẳng khác để lại dấu ấn văn hóa trọc phú của thời đại ngày nay”. Một cách sâu xa hơn, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Phú Lộc thừa nhận: “Đây là bài học chua xót về vấn đề quản lý di tích và công tác xã hội hóa trùng tu di tích trên địa bàn tại địa phương”. Đúng là một bài học mà nếu cơ quan chức năng không giải quyết đến nơi đến chốn, sẽ tạo ra những tiền lệ xấu trong xây dựng, dẫn đến những lệch lạc trong công tác bảo tồn di sản ở cơ sở. 

Được biết, công trình trùng tu bia rùa có tổng giá trị gần 400 triệu đồng, do Công ty TNHH dịch vụ du lịch Thanh Tâm đầu tư trên tinh thần kêu gọi xã hội hóa. Đây đang là chủ trương của nhà nước nhằm góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa. Tuy nhiên, với câu chuyện ở hòn Rùa, thực tế cho thấy, việc bảo tồn di sản không phải cứ có tiền là được.

Kim Oanh