Họa sĩ Tô Trần Bích Thuý sinh năm 1969 tại Quy Nhơn (Bình Định). Đam mê vẽ từ nhỏ, tốt nghiệp phổ thông, Thuý chọn con đường đến với nghệ thuật bằng cách thi vào Trường đại học Nghệ thuật. Được giữ lại trường công tác sau khi tốt nghiệp, hiện chị là Chủ nhiệm Khoa Sư phạm Mỹ thuật. Lao động nghệ thuật gần 20 năm, chị tự nhận mình là người “tham lam” khi thích được tìm tòi, thể nghiệm trên tất cả các chất liệu. Trong đó, đồ họa và sơn mài là 2 chất liệu “hút hồn” chị. Năm 2004, triển lãm bút sắt đầu tiên “Đối thoại với thời gian” của chị tổ chức ở Thái Lan được bạn bè trong và ngoài nước đánh giá cao. Tranh của chị bao giờ cũng bàng bạc triết lý về nhân sinh, những suy ngẫm, trải nghiệm về cuộc đời. Trong chùm tác phẩm đồ hoạ Cuộc hành trình, chị ví thân phận con người như kiếp bươm bướm. Ba tác phẩm với 3 tông màu thể hiện các giai đoạn khác nhau của đời người. Bức tranh đầu tiên vẽ con người hoá thân thành bươm bướm được sinh ra từ cái kén, mắt mở to quan sát và bay đi khắp nơi trải nghiệm cuộc sống. Màu xanh tươi của bức tranh này biểu trưng cho sức sống mạnh mẽ. Bức tranh thứ 2 có màu vàng nâu thể hiện sự trưởng thành của con người khi đã hiểu hết mọi lẽ đời. Cái kén màu vàng khô trong bức tranh thứ 3 lại biểu đạt sự đúc kết, thấu hiểu cuộc đời của con người với tư thế ngồi thiền, tĩnh lặng, am tường.

 

Họa sĩ Tô Trần Bích Thúy

Trong kho tranh ký hoạ bút sắt của chị có rất nhiều tác phẩm vẽ về những phận người, cuộc đời bất hạnh. Thưởng thức tranh của Bích Thúy ở đề tài này, người xem như mở rộng tấm lòng đón nhận những giá trị nhân bản chân thực mà hoạ sĩ chuyển tải. Trong cách thể hiện của chị, cái nhìn xa xăm, đầy trắc ẩn của từng nhân vật còn có khả năng thúc giục người xem phải trăn trở, đau đớn cùng những bất trắc, nghiệt ngã mà họ đang đối mặt. Phải chăng vì muốn thể hiện những điều này mà tranh chị thường sử dụng những gam màu trầm như xám tím, tím lam...?

Bích Thuý còn vẽ nhiều về thiên nhiên, phong cảnh. Chùm tranh hoa bằng sơn mài tạo cho chị phong cách riêng. Xem tranh vẽ các loài hoa của chị, người thưởng lãm có cảm giác nhẹ nhàng, thanh thản. Thiên nhiên Huế cũng tạo cảm hứng trong các sáng tác của chị, đặc biệt là những dấu tích cổ xưa như: Lầu Tứ Phương Vô Sự cũ kỹ, rêu phong; cầu Trường Tiền, Đại Nội… Chị tâm sự: “Huế là thành phố cổ kính với nhiều không gian, cảnh đẹp. Lúc nhỏ, những lần về Huế thăm ngoại, chị đã vương vấn và yêu cuộc sống bình yên ở đây. Cuộc sống ở Huế phù hợp để chị có khoảng không gian suy ngẫm, sáng tạo”.
 
Trên con đường sáng tác hội hoạ, Bích Thuý luôn tìm kiếm, bởi với chị, nghệ thuật là sự tìm tòi suốt cả cuộc đời. Chị tâm sự: “Với tôi, vẽ là niềm vui và hạnh phúc”. 
 

 

Chùm tác phẩm Cuộc hành trình

 

Cõi nhân gian

 
Con đường đi tới nghệ thuật của Bích Thúy có nhiều thác ghềnh, nhưng chị xem đó là thách thức để có thêm hướng phấn đấu. Chị từng phải vẽ theo đặt hàng của các gallery để nuôi niềm đam mê nghệ thuật. Vừa đi dạy, vừa làm công tác quản lý lại đảm đang công việc gia đình, chị làm việc không ngơi tay nhưng cứ tranh thủ được lúc nào là chị vẽ. Chị Thúy cho biết: “Phụ nữ làm nghệ thuật tương đối vất vả. Những tác phẩm đồ hoạ rất chi tiết làm cho mắt phải điều tiết nhiều hay tranh sơn mài lại nặng về trọng lượng, khó nhất là công đoạn mài, tạo độ bóng”. Là phụ nữ, chị cũng không tránh khỏi những bộn bề của cuộc sống gia đình chi phối cảm xúc sáng tạo. Chị bộc bạch: “Không ít khi đang vẽ tranh nhưng tới giờ nấu cơm, chị phải gác lại cảm xúc để trở về với thiên chức của người phụ nữ.
 
Thế là bị cắt ngang cảm xúc, nhiều khi không nối lại được. Tuy vậy, nấu bữa ăn ngon cho gia đình cũng là niềm vui”.
 
Hơn 20 năm cầm cọ, hoạ sĩ Bích Thuý không nhớ mình đã vẽ bao nhiêu tác phẩm. Chị tham gia nhiều cuộc triển lãm trong nước và quốc tế ở Thái Lan, Trung Quốc, Thụy Điển, Úc. Tranh của chị từng đoạt các giải thưởng trong triển lãm khu vực Bắc miền Trung. Không kỳ vọng đạt được điều gì đó mà chỉ đơn giản là thể hiện cảm xúc của mình, chị vẽ bằng tất cả tâm hồn. Chị luôn tâm niệm: "Với người nghệ sĩ, phải thể hiện cảm xúc chân thành, phải trăn trở, yêu thương cuộc sống thực sự thì tác phẩm mới nói lên tiếng nói của tâm hồn, còn không thì nó chẳng qua là công thức, quy tắc nào đó mà thôi".  
Trang Hiền