Bạn bè nói Hải Kỳ đã tạo được một cõi thơ riêng. Anh có vương quốc thơ của mình. Ở đó, anh đào tận cùng cái tôi - thi - sĩ mà có một thời khá dài người ta né tránh. Hải Kỳ không đợi đến lúc có làn gió đổi mới mới dám nói đến cái tôi, mới dám hướng vào nội tâm. Anh thuộc thế hệ các nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Nhưng Hải Kỳ thật sự khởi sắc vào những năm 1978 - 1988. Đó là những năm đất nước còn nhiều khó khăn và thơ anh chứa đầy tâm trạng của cái tôi trữ tình.

Nhà thơ Ngô Minh chụp ảnh với bạn thơ tri kỷ Hải Kỳ (trước khi ông qua đời). 

Đọc thơ Hải Kỳ, tôi ít quan tâm thơ anh cũ hay mới, hiện thực hay lãng mạn, tự sự hay trữ tình, cổ điển hay hiện đại... Cái làm tôi chú ý nhất là nỗi niềm của anh. Thơ anh có bài hay, có bài chưa thật hay nhưng tất cả đều thành thực - thành thực như bản tính của anh. Hải Kỳ vốn bộc trực có gì cứ nói toạc ra, chẳng nể nang, chẳng e dè, chẳng vòng vo Tam Quốc. Hải Kỳ không biết giấu mình trong thơ. Anh cứ dại khờ một cách hết sức đáng yêu. Chân dung Hải Kỳ lồ lộ trong thơ anh. Ở bài Mẹ tôi, Hải Kỳ thú nhận: Tôi còn bé đã rong chơi / Nhiều khi đến tắt mặt trời còn đi ... Và cái tính thích rong chơi ấy vẫn theo anh cho đến bây giờ. Ở đâu có Hải Kỳ ở đó có những cuộc vui. Anh thành thật thú nhận: Với người đẹp tôi thường để ý / Và nhiều khi khen ngợi thành lời. Vì vậy, Hải Kỳ mê ai là bạn bè biết ngay. Có một thời chúng tôi hay la cà ở lò rượu chị Hiếu ở dốc Phú Cam và anh đã bị người đẹp hớp hồn: Em non dại và tôi không thể khác / Đành gọi em như cách gọi bao người / - Bé ơi bé, cho rượu nào! Tôi nhắc / Rượu thì say tôi uống đến đầy tôi / Em non dại và tôi im lặng / Đến rồi đi như thể vô tình / Nhưng lạy chúa! Tôi viết bài thơ tặng / Rượu thì say quên cả giữ gìn...

Tối 23/7, nghe nhà thơ Hoàng Vũ Thuật báo tin: “Hải Kỳ đã đi rồi !”. Tôi suốt đêm không ngủ. 5 giờ sáng đã ra Bến xe phía Bắc Huế để đi Đồng Hới. Đang ngồi trên xe thì nhà văn Tô Nhuận Vỹ cũng lò dò xuống xe thồ để tìm xe đi Đồng Hới. Thế là hai anh em đi cùng chuyến xe. Điện thoại cho Mai Văn Hoan, Hoan cũng đang chuẩn bị ra xe đi Đồng Hới, nhưng phải lo vòng hoa điếu cho Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế. Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật kể rằng, chiều 23, lúc 18 giờ 32 phút, Hải Kỳ ra đi thanh thản. Nhà thơ Hữu Thỉnh, chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam từ Hà Nội điện vào thăm hỏi sức khỏe: “Hải Kỳ ơi, thương lắm, gắng lên!”. Hoàng Vũ Thuật đưa điện thoại cho Hải Kỳ nghe, gật gật đầu, nhưng không nói được nữa. Vài phút sau thấy chồng khó thở, vợ là Nguyễn Thị Lý, bảo con trai, nhà báo Trần Minh Văn đi mượn bình ô xy để Hải Kỳ thở. Chưa kịp đi thì Hải Kỳ đã đi vào giấc ngủ ngàn thu bên cạnh người vợ thủy chung son sắt và người bạn thơ chí cốt nhất của mình...
Nhà thơ Ngô Minh
Hải Kỳ là một trong số những người làm thơ hết sức nhanh nhạy. Thơ đến với anh rất tự nhiên. Chỉ nghe một cô gái hỏi về cách gieo vần của thơ lục bát, Hải Kỳ có thơ ngay: Vần lục bát thế nào anh / Câu thơ sao nữa những thanh trắc bằng / Con đường gió bụi xe lăn / Tiếng em lúc bổng, lúc trầm bên tôi... Từ câu chuyện làm thơ lục bát, anh đột ngột lái sang chuyện khác: Cái vần lục bát về nhau / Gieo cho khéo lúc ban đầu hỡi em! Một hôm, tôi với anh bạn đồng nghiệp cùng ở cùng phòng tranh cãi nhau về người phụ trách thư viện của trường. Cuộc tranh cãi không biết sẽ kéo dài đến lúc nào nếu Hải Kỳ không đứng ra dàn hoà bằng một bài thơ ứng tác với bốn câu kết: Con người ấy nói thế nào được nhỉ? / Là tốt chăng? Hay là xấu? Là gì? / Cái kết luận vội vàng không thể gói / Cả con người trong bao tải chuyển hàng đi! Vừa đọc xong bản thống kê của Liên Hiệp Quốc: “Mỗi phút có 32 trẻ em chết vì bệnh tật, đói nghèo ở các nước chậm phát triển”, Hải Kỳ có ngay bài thơ Hai giây đầy mỉa mai, phẫn uất: Ôi cái hành tinh chật chội thủ đô to / Dày phấn sáp, mỏng áo quần đúng mốt / Bom đạn như non, của tiền như nước / Mỗi trẻ nhỏ chết nghèo trong nháy mắt hai giây! Không nhạy cảm với cuộc sống, với số phận con người không thể viết được những câu thơ ấy. Và chính vì cái nhạy cảm nghệ sĩ ấy mà anh luôn có mặc cảm tội lỗi. Anh cảm thấy mình có lỗi với mẹ, với em, với những người chung quanh. Hải Kỳ nhớ về mẹ trong niềm ân hận xót xa: Đến khi tôi biết vâng lời / Chiến tranh đã khép mắt người buồn đau! Nhìn vết xước trên những ngón tay mềm mại của cô gái bện chổi, anh băn khoăn day dứt: Tôi đến nhà em / Thấy những ngón tay mềm mà tôi chưa một lần được nắm / Đầy vết xước mây, tre... / Em bện chổi tôi thấy mình bụi bặm / Tôi thấy mình vô tâm... Đó chính là cái tâm của những nghệ sĩ chân chính. Thấy sự hờ hững lãnh cảm của người đời anh thốt lên: Chao ôi cây nối liền cây / Người sao chẳng biết cầm tay với người!? Ẩn đằng sau những câu thơ tình của Hải Kỳ là những suy ngẫm về thế sự: Rượu nồng thế mà thơ như phấn / Trên bảng đen tôi tập viết qua hàng; Tôi xin đăng ký dại khờ / Để khôn ngoan chết bên bờ sông thương...
 
Hải Kỳ là một người làm thơ tài hoa và có cá tính. Anh cũng là người dám sống chết với thơ, chẳng hề vướng bận chức quyền. Thơ anh điêu luyện, tinh tế, giàu cảm xúc. Hải Kỳ viết không nhiều: Gom hết cả đời làm một quyển / Sách mở ra là thấy biển khơi! Đó là hai câu thơ anh viết về cụ Nguyễn Tú nhưng cũng nói rất đúng về anh. Thơ Hải Kỳ được nhiều người thuộc và chép chuyền nhau. Diễm phúc ấy không phải nhà thơ nào cũng có được. Đôi khi, ngẫm lại sự đời anh giật mình: “May sao Huế vẫn đa tình / May sao mình vẫn là mình đấy thôi! Giữ được mình vẫn là mình nghe đơn giản mà gian khổ biết chừng nào! Ở đời, chẳng phải ai cũng làm được cái điều tưởng như đơn giản ấy.
 
Mai Văn Hoan