Ông là tác giả của hàng chục công trình nghiên cứu lịch sử Đảng, lịch sử quân sự, là tác giả của hàng ngàn bài báo trải dài từ khi ông vào chiến trường Trị Thiên năm 1964 đến trước khi qua đời; từ một phóng viên Thông tấn xã Việt Nam phụ trách địa bàn Huế, rồi đảm nhiệm Thư ký Tòa soạn hai tờ báo Cờ Giải phóng và Cứu lấy quê hương xuất bản trên rừng chiến khu Tây Thừa Thiên, cho đến khi là một Trưởng tiểu ban Nghiên cứu lịch sử Đảng sau khi hòa bình lập lại.

Tập sách tập hợp những nghiên cứu lịch sử mà ở đó, phần lớn gắn liền với những năm tháng toàn dân kháng chiến chống xâm lược ở vùng đất Trị Thiên nói riêng, miền Trung và cả nước nói chung.

Phần sinh động hơn trong tập sách là những bài viết, những bài thơ đầy hoài niệm, như tựa đề cuốn sách “Một ngày nhớ bao ngày xưa ấy” (vốn là tiêu đề một bài báo của ông). Ông sống trọn đời mình với lý tưởng mà tuổi trẻ của ông và bao thế hệ thanh niên thời đó đã chọn. Trong cung cách sống của mình, ông đề cao sự trung thực, tôn trọng và giữ gìn nhân cách, giàu lòng thương yêu đồng chí, đồng đội và những người có số phận không may. Ông là người mẫn tiệp, có trí nhớ tuyệt vời, nổi bật với tính khôi hài đã làm nên những trận cười giữa thời kháng chiến gian khó.

Bình dị và nhân ái, khôi hài mà tinh tế, giàu tình cảm…, tất cả những đặc tính đó ùa vào từng trang viết của ông. Đọc những trang viết đầy hoài niệm của ông, chúng ta dễ hình dung ra cuộc sống kháng chiến vô vàn khó khăn gian khổ nhưng vang vọng tiếng cười lạc quan ở chiến khu rừng núi Tây Thừa Thiên. Ở đó, bên cạnh rất nhiều tiếng cười rung cây rung lá giữa rừng đại ngàn, dưới căn hầm bí mật trong xóm thôn, là những giọt nước mắt đau đớn lặng người trong chiều sương hay trong đêm tối khi chứng kiến đồng đội vừa nằm xuống. Ở đó, bên trong mỗi một con người là tinh thần vượt qua mọi gian khó, gan lì và dũng cảm kỳ lạ. Những trang viết ấy của người đi qua kháng chiến, tuyệt nhiên lại không hề có chút gì của thái độ công thần. Những câu chuyện thật 100%, không màu mè, mộc mạc như rừng, thật như chuyện rừng… chính là điều rất đáng quý của cuốn sách.

Những bài thơ trong tập sách, sẽ cho chúng ta thấy một hình ảnh khác của tâm hồn nhà báo, nhà nghiên cứu Ngô Kha, thành thật một cách dung dị và thiết tha tràn đầy tình cảm. Chẳng hạn “Đưa em về bên kia sông Hai Nhánh” là một thoáng cao trào cảm xúc, có thể nói đó là một bài thơ hay giữa rừng kháng chiến.

Phần phụ lục cuốn sách, là một số bài viết có liên quan đến hoạt động của nhà báo, nhà nghiên cứu lịch sử Ngô Kha của bạn bè ông từng sống trên chiến khu: Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân; hay ở vùng giáp ranh: Phạm Thị Cúc và thế hệ sau này - Lê Viết Xuân. Trong những trang viết đó, chúng ta bắt gặp một nhận định hết sức đáng chú ý của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường: “Với Ngô Kha, làm báo đã là một sự nghiệp”. Trong phần phụ lục, chúng ta có thể gặp một số trích đoạn thơ ca hò vè cổ động kháng chiến ký tên Ngô Kha, hoặc bút danh Thu Hồng (tên con gái đầu mới hai tháng tuổi khi ông xa vợ con đi kháng chiến) trên báo Cờ Giải phóng, Quân Giải phóng... Những trích đoạn ấy, chính là sự bổ sung sinh động để chúng ta hình dung việc làm báo ở chiến khu ngày đó, người thư ký tòa soạn không chỉ biên tập bài vở, viết tin tức, viết xã luận mà còn phải biết sáng tác những câu ca, hò vè cổ động cho quần chúng dễ áp dụng… Một số hình ảnh hết sức quý giá, như là những bức ảnh lịch sử chụp ông Ngô Kha và những người bạn trên rừng chiến khu chung thủy một thời với ông.

Cùng với những trang viết, cái cách ông đi hết cuộc đời với một cung cách sống do chính ông chọn lấy “Ta ra khỏi rừng, rừng không ra khỏi ta”, khiến cho nhiều người mãi nhớ và kính trọng ông - nhà báo, nhà nghiên cứu lịch sử Ngô Kha.

Ngọc Hương