Đem chuyện luận bàn có người bảo, sách tặng, sách biếu cũng có lắm thứ để nói. Chẳng hạn, ai đó muốn giúp đỡ nhau nên mượn cớ mua sách của bạn để làm quà biếu trong các hội nghị khiến cho kẻ nhận cũng chẳng thấy mặn mà. Hay còn nữa là kiểu tặng sách, đặc biệt là sách thơ của một số người, không thèm chú ý đến kẻ nhận là ai, nghĩa là chỉ cần sách mình được “phát hành” là được, càng đến tay được nhiều người càng tốt, nhất là những người có chức quyền, có danh vọng và tiếng tăm trong xã hội. Nói vậy để biết, chứ tặng sách kiểu đó cũng hiếm và hy hữu lắm.

Xưa có chuyện nhà văn Anh Bernard Shaw được Hội Phụ nữ Luân Đôn yêu cầu tặng hội một cuốn sách của ông nhan đề “Người chỉ đường cho trí thức đến với chủ nghĩa xã hội”. Nhà văn đã từ chối và viết thư trả lời: “Mong quý hội thông cảm vì cuốn sách tặng, người ta thường ít đọc...”. Kể lại câu chuyện về Bernard Shaw “khó tính” để thấy rằng, sách là đứa con tinh thần, là tâm huyết của một tác giả, tôn quý nhau mới tặng sách, và như nhà văn Anh thì chỉ có ai cần đến sách của mình ông mới tặng. Còn chắc nhiều người vẫn nhớ, thời kỳ đất nước mới giải phóng, sách còn là món quà cưới.

Những cuốn sách cũ, trong đó có rất nhiều sách tặng, sách biếu bị quăng ra hàng đồng nát đôi khi cũng là một điều hay. Bởi trong xã hội có rất nhiều người cần đến nó. Từ những quầy sách cũ nằm trên hè phố, nhiều người đã tìm thấy và mua được những cuốn sách vừa quý, vừa hiếm, lại vừa rẻ. Nó là nguồn bổ sung quý báu cho những người yêu sách, có thú vui sưu tầm sách và biết sử dụng sách một hữu dụng. Tuy nhiên, mua một cuốn sách có lời đề tặng với giá rẻ, đôi khi chỉ có dăm bảy nghìn vẫn khiến bao người cũng phải xốn xang. Vẫn biết suy cho cùng, sách tặng cũng chỉ là một món quà như bao món quà khác và sử dụng như thế nào là quyền của người nhận. Thế nhưng, giá người được nhận đừng vô tình đến thế với sách thì văn hoá tặng sách, văn hóa đọc sách giờ đây đã chẳng “xuống cấp” đến thế.

Đan Duy