Ông Khai Trí nói, ông “xin” lại ngôi nhà để lập một nhà sách vừa để làm từ thiện, vừa xây dựng mô hình nhà sách chuẩn mực, giữa lúc mà hàng loạt nhà sách ra đời chỉ với một mục đích: lợi nhuận. Ấy là tâm nguyện cuối đời của ông,

Có phải, trong bất cứ công việc nào, cũng không thể thiếu tình yêu. Mà sao bây giờ, tình yêu đang… đi xa dần!?...

*

Nhớ lại. Dường như, những mối tình, cuối cùng đều chỉ còn để lại sự ngậm ngùi. Nhưng cũng… dường như, có một tình yêu khá bền lâu và ít thay đổi: yêu sách.

Tình yêu ấy, bắt đầu từ quyển sách đầu tiên được đọc là Tam quốc chí diễn nghĩa, khi vừa 5 tuổi. Nói “dóc” vậy thôi, chứ thật ra, không phải đọc, mà là tập… đánh vần, vì hồi ấy, ở một thị xã nghèo, phương tiện học quá ít oi. Thị xã có một TỦ SÁCH BÌNH DÂN (bây giờ, gọi là thư viện hay phòng đọc sách), dành cho những đối tượng ít tiền. Trên những trang giấy nhuốm cái màu không tên vì đã qua tay nhiều người đọc, thế giới rộng lớn dần dần hiện ra, như là sự chuẩn bị cho việc từng bước đi vào cuộc sống. Nếu không có sự dẫn đường của sách, có thể con người sẽ tiến bước rất chậm hoặc đi lạc… cả một đời? Dễ hiểu thôi: sách là sự thu tóm những hiểu biết và kinh nghiệm của bao thế hệ và xứ sở trên hành tinh này. Giờ đây, ở nơi này, đã có rất nhiều báo động về hiểm họa khi thiếu vắng văn hóa đọc. Thử… dẫn trưng: Hơn 40 năm trước, khi đất nước còn bị chia cắt, ở miền Bắc, mỗi tên sách đã được nhà nước cho in hàng vạn bản; ở miền Nam, những đầu sách bán được (hầu hết là của tư nhân) là vài ngàn bản; trong khi hiện nay, với dân số gần 90 triệu người, những tác phẩm thuộc loại “nobel”, in 1.000 bản vẫn… ế!

Vì sao? Có phải, do tình yêu đang… đi xa dần!...

*

Trước đèn. Người xưa dùng từ này để nói về việc học. Học, cũng gần gần giống như… tu. Mất nhiều thời gian lắm, ít nhất, là phải thập niên đăng hỏa. Và rồi, dẫu có rơi vào cảnh thập tải độc thư bần đáo cốt (đọc sách mười năm vẫn nghèo thấu xương), dẫu không thành đạt (như quan niệm của thời ấy), thì vẫn trở thành người được lân lý quí trọng: hình ảnh những ông đồ trong xã hội cũ. Dẫu cho… giờ đây, những ông đồ, “có vẻ” như đang sống lại, trên những hè phố, nhất là vào dịp lễ tết, thì, cái sự… đậm đà bản sắc ấy cũng chỉ là những - bóng - nhạt - hình. (Mà, làm sao khác được, trong cơn lốc của toàn cầu hóa, hiện đại hóa, và…vô vàn hóa). Lẽ nào, tình yêu đang… đi xa dần, trên cả hành tinh chứ không riêng lẻ ở một xứ sở nào?

*

Sách trên… lưng. Ấy là, khi gùi thùng sách nặng trĩu qua những con dốc của núi rừng Trị Thiên, năm 1974, mùa đông như muốn lột da người cái rét. Bộ sách Mỹ học của triết gia người Đức G. Wilhelm Hegel, Việt dịch: Nhữ Thành, in roneo trên khổ giấy lớn hơn khổ A4 một ít, gửi từ Hà Nội vào chiến trường. Điều này, có vẻ… lạ, mà không hề: đó là cái “tầm xa” về văn hóa - tư tưởng, ngay giữa hồi đạn bom gào thét. Tất nhiên, đối tượng được đọc cũng hết sức hạn chế. Và chúng tôi là những người trẻ tuổi được cái may mắn đó. Người ta vẫn nói đến những “tiếng hát át tiếng bom”, những vân vân…. Không hề sai. Nhưng, vẫn có những sức mạnh khác, bền bỉ: tiếng im lặng của những trang sách.

Những tiếng ấy, hay là hương của những trang giấy, giờ đây còn đọng ở nơi nào? Hay đã bay đi đâu?

Dẫu sao, cũng còn có thể tin rằng, có lẽ không phải tình yêu đang… đi xa dần!...

*

Ví dầu, những bài thơ không nuôi nổi đàn con nheo nhóc. Ví dầu, Đỗ Phủ chết đói trên sông, Nguyễn Du ốm đau thiếu thuốc. Và vô vàn phôi phai khác nữa…

Vì vậy, mà niềm tin sẽ chẳng hề vô cớ: không phải tình yêu đang… đi xa dần!...

Nguyễn Đông Nhật 

Tập sách của người bạn vong niên, nằm yên lặng, góc bàn. Trên bìa sách, ở cuối màu xanh những trùng điệp sóng, lóe lên cái ánh bạc của… “Vỏ ốc”, tác phẩm ở tuổi 80 của nhà thơ - nhà viết kịch Dũng Hiệp. Có mấy câu “minh họa” cho ý chính của toàn tập: Những vỏ ốc xa cừ / khảm nên tranh tố nữ / ốc chết tự ngàn thu / có hay mình bất tử? Những vỏ ốc, là… những trang giấy. Cũng chính là những ca khúc những bức tranh những pho tượng: những sản phẩm nghệ thuật. Lịch sử của con người sẽ ra sao, cuộc sống của mỗi cá nhân sẽ thế nào, nếu không có chúng?