Đó là tấm bằng loại khá, nhưng ai biết quá trình học của anh đều thừa nhận nó quý vì thực chất. Bạn tôi cũng rất vui, bởi như lời anh: “Ít nhất mình cũng làm gương về sự học cho…các con.” Vui là thế nhưng anh có vẻ ngại khi ai đó nhắc tới học vị thạc sĩ của mình nơi công cộng. Nhiều lần anh đề nghị ban tổ chức buổi lễ hay diễn đàn đừng giới thiệu danh xưng thạc sĩ đi kèm tên anh. Nghe thắc mắc sao phải thế, anh chân thành: “Giờ bằng cấp thật-giả lẫn lộn nhiều nên “khoe” học vị ra, có khi nhận tác dụng ngược lại.”

Tương tự như anh bạn thạc sĩ, tôi có quen một thầy giáo là tiến sĩ, đồng thời là nhà nghiên cứu văn hóa tôn giáo đã có hàng chục đầu sách được in. Ông học thạc sĩ rồi nghiên cứu sinh, làm luận án tiến sĩ ở một nước phát triển; có kiến thức văn hóa xã hội sâu rộng. Ngoài nghiên cứu giảng dạy, ông còn viết báo; dưới mỗi bài viết, ông chỉ ghi tên tác giả, thay vì ghi kèm học vị như nhiều người vẫn làm. Nghe tôi hỏi, sao không ghi “tiến sĩ khoa học” dưới bài viết cho thêm phần thuyết phục, nhất là những bài mang tính tranh luận hoặc bàn sâu về lĩnh vực ông nghiên cứu, ông từ tốn: “Tôi muốn thuyết phục người đọc ở nội dung bài viết chứ không phải học vị của mình. Vả lại, tiến sĩ thời nay cũng có nhiều loại nên không phải cứ xưng danh là người ta tin đâu”

Suy nghĩ trên của hai người bạn tôi có thể là cá biệt, thậm chí còn bị chê “thật vàng sao sợ lửa?” Nhưng qua đây cho thấy, nạn bằng giả không những gây hại cho xã hội mà còn khiến những người thực học bị tổn thương, cảm thấy ái ngại khi phải chịu chung sự nghi ngờ không phải là vô cớ của cộng đồng.

Nguyễn Cảnh Tường