Nhưng có một dòng chảy khác, lo âu hơn, khắc khoải hơn và mong ngóng nhiều hơn nơi những người nông dân. Nỗi lo về khi lục bình không có chỗ để xô dạt nên chen chúc và ken dầy nơi những con sông kém nước. Về mùa sẽ khô trong năm tới. Về môi trường không có điều kiện để thau rửa, rồi chuột bọ, sâu rầy sẽ được đà phát sinh. Những câu chuyện và những câu hỏi ầng ậng như vậy là điều mà chúng tôi nhận được nhiều nhất khi về tuyến xã trong suốt tuần qua. Sắp qua ngày 13, và bà con xem chừng cũng đã sốt ruột chờ đến ngày 23 ta. Có lẽ chưa bao giờ người ta lại chờ mưa, chờ lũ nhiều đến như vậy.

Giữa những câu hỏi và nỗi thao thiết về việc cần khơi thông nguồn chảy của con sông Như Ý dẫn nước về đồng ruộng Hương Thủy được đưa lên từ phía dưới hội trường, người anh tóc đã bắt đầu điểm bạc và đầy thâm niên trong lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn quay sang tôi bảo nhỏ, năm ni chắc khó, nhất là là vụ hè thu. Elninô đúng là làm người dân mất ăn mất ngủ. Mà đâu chỉ có lúa, nhiều thứ sẽ bị ảnh hưởng. Đậu, rau xanh các loại sẽ giảm sản lượng. Thanh trà cũng sẽ không ngon khi không được nuôi dưỡng bằng nguồn chất tự nhiên từ phù sa. Bắp cũng sẽ kém ngọt...
Tôi đã từng đi qua vùng miền Tây Nam Bộ mùa người Long An khắc khoải chờ lũ mang nước về cho các cánh đồng; nghe dân Đồng Tháp Mười kể về mùa nước nổi ngay trong mùa đáng ra đang là mùa nước nổi... Ngày đó, giọng người miền Tây nghe thương lắm. Những cánh đồng miền tây xấp xoãi nhìn cũng thương lắm nhưng không bao giờ nghĩ, đó là chuyện của quê mình, như bây giờ.
Không phải là vựa thóc, và đất lúa của Thừa Thiên Huế cũng chỉ đủ cho người dân một nguồn thu nhập vừa đủ, hoặc nhỉnh hơn đôi chút nếu chăm chỉ cày xới và được thời tiết ủng hộ. Nên cũng dễ nhận ra sự bồn chồn đằng sau vẻ yên tĩnh của làng quê.
Có một cơn mưa vừa qua khi tôi gõ những dòng này. Rồi cả nắng trong mưa. Nhiệt độ buổi sáng ở mức 26 độ C và cũng đang nhích dần lên. Quạt trong phòng đã chạy vù vù.
Người ta bảo, tháng 10 chưa cười đã tối. Nhưng đã vào giữa tháng 10 rồi và người nông dân vẫn không cười.
Hạnh Nhi