Có thể thấy định hướng này là phù hợp với xu thế vận động trong tình hình hiện nay, nghĩa là phải chú trọng vào chất lượng tăng trưởng chứ không còn đơn thuần là số lượng tăng trưởng. Tăng trưởng phải dựa vào các ngành tạo ra giá trị gia tăng cao chứ không đơn thuần là sử dụng nhiều nguyên vật liệu, nghĩa là phải hàm chứa sự gia tăng “hàm lượng tri thức”. Vấn đề là chúng ta đã có tiền đề, có nền tảng chưa ? Và muốn đạt được điều đó phải khu biệt nội hàm ra sao, đưa ra những giải pháp như thế nào phù hợp. Thử nhìn vài khía cạnh.

Huế được xác định là một trung tâm du lịch, giáo dục đào tạo, y tế chuyên sâu của miền Trung và cả nước. Đã là trung tâm thì đương nhiên phải tập hợp một lực lượng lớn những người có trình độ tri thức, những người có chuyên môn chuyên sâu. Rõ ràng nguồn nhân lực trí thức chúng ta không thiếu. Chẳng hạn như nhìn ở lĩnh vực giáo dục. Ở đây có cả chục trường đại học với số lượng sinh viên hàng chục nghìn thường xuyên. Ở đây cũng tập hợp một đội ngũ có trình độ trên đại học rất nhiều ở hầu khắp các lĩnh vực.

Phát triển kinh tế tri thức phải dựa trên nền tảng trí thức. Như vậy, nền tảng đã có. Song cái nền tảng ấy phát huy, đóng góp như thế nào vào thực tế lại là một chuyện. Có dấu hiệu cho thấy, hàm lượng tri thức, sự sáng tạo chưa được đóng góp nhiều vào thực tiễn. Thử nhìn vào vài lĩnh vực:

Lĩnh vực du lịch là thế mạnh của tỉnh. Song có thể nói lĩnh vực du lịch phát huy chưa đúng tiềm năng thế mạnh. Tri thức là phải tạo ra nhiều sản phẩm mới để thu hút khách, từ đó mới tạo ra nguồn thu lớn từ du lịch. Sản phẩm mới về du lịch của Huế rất ít. Quanh quẩn cũng chỉ có hai lĩnh vực tạo nguồn thu cao nhất là bán vé di tích và lưu trú. Nhưng giá lưu trú ở Huế không cao.

Ở Huế có một trường đại học nông lâm nhưng hàng năm có bao nhiêu đề tài khoa học được phát kiến để áp dụng vào phát triển lĩnh vực nông nghiệp? Đành rằng, lĩnh vực nông nghiệp vốn không phải là thế mạnh của Huế, nhưng không có nghĩa là không thể phát triển để nông nghiệp đưa lại những giá trị cao hơn. Cứ nhìn cách nuôi tôm và nuôi lợn của một tập đoàn lớn của Thái Lan ở Thừa Thiên Huế, đủ biết họ đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật như thế nào vào trong chăn nuôi. Cái điệp khúc “được mùa mất giá” là do chúng ta không chủ động trong các khâu của quy trình sản xuất tạo ra giá trị liên hoàn. Họ chủ động từ con giống, thức ăn, sản xuất, chế biến, xuất khẩu. Ta thì thức ăn một người làm, con giống một người làm, chăn nuôi một người làm. Tiêu thụ lại là một người khác. Luôn luôn bị động nên nó tạo ra một chuỗi rời rạc trong sản xuất kinh doanh.

Công nghiệp đang tạo ra nguồn thu nhiều nhất cho ngân sách của tỉnh. Nhưng công nghiệp được mấy đơn vị xứng danh là “kinh tế tri thức và tăng trưởng xanh”. Huế là một trong những tỉnh đi đầu trong việc xây dựng trung tâm công nghệ thông tin. Nhưng có bao nhiêu phần mềm tạo ra những giá trị lớn đưa ra thị trường !?

Xem ra, muốn nâng cao hàm lượng tri thức, đưa hàm lượng tri thức thúc đẩy tăng trưởng thì chúng ta còn nhiều việc phải làm. Trước tiên là khu biệt nội hàm. Phát triển những ngành kinh tế ít hoặc không ảnh hưởng đến môi trường. Đây là những giá trị bất biến mà mọi quốc gia đang hướng đến. Phát triển những ngành có giá trị gia tăng cao. Điều này chỉ được tạo ra bởi sự sáng tạo. Ví dụ như du lịch. Phải tạo ra những cái mới trong du lịch để thu hút khách. Các đại học phải đẩy mạnh việc nghiên cứu khoa học và sau đó phải có cơ chế chính sách để những phát kiến khoa học được ứng dụng trong thực tiễn, đưa lại những giá trị kinh tế thật sự.

“Kinh tế tri thức và tăng trưởng xanh” đòi hỏi một mức độ chất lượng tăng trưởng cao hơn so với những khái niệm tăng trưởng bình thường, ví dụ như tăng trưởng dựa vào vốn đầu tư; tăng trưởng dựa vào nguồn lao động giá rẻ; tăng trưởng dựa vào khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên…

Lê Phương