Với trẻ quê, mùa lụt là cả một miền ao ước. Lụt có thể lấy đi những nương lúa ngấp nghé chín. Nhưng lụt, nhìn một cách lạc quan, lại cho người nhà quê nhiều thứ. Và một trong những thứ ấy là ký ức.

Sau những ngày mưa, con mương chảy qua làng no nước, tràn bờ. Người lớn í ới rủ nhau ra mương đặt rớ. Trẻ con ríu rít đi câu, thả bè chuối và bắt chuồn chuồn. Với tôi, thực sự đã có một dòng văn hóa mương, gắn kết giữa những người dân chân quê, khi giận thì chửi nhau té tát nhưng chẳng được lâu vì thế nào thức dậy, cũng phải gặp nhau trên con đường ra đồng.

Khi những đàn chim di cư báo đông bay qua làng, cụ Huân lại đến từng nhà bàn ngày vét mương, đón lụt. Cụ mặc chiếc áo dài đen, đầu đội khăn đóng, nghiêm trang như đi ăn giỗ. Cụ cầm chiếc quạt nâu, dù trời cuối thu không còn nóng nực là mấy.

Con mương rộng sau mấy mùa xuân, hạ... um tùm cỏ và cát sụt nghẽn dòng. Cả làng được huy động chọn một ngày đẹp trời để be bờ. Sau mỗi mùa lụt, con mương lại rộng thêm một tý, cao thêm một tý, như dòng sông nhỏ uốn lượn qua những bờ tre. Theo kinh nghiệm của cụ Huân, năm nào hoa chuối nước nở rộ, đồng loạt trắng xóa dọc bờ mương thì năm đó chắc chắn lụt sẽ lớn. Năm nào hoa nở lẻ tẻ thì ít mưa, nhiều nắng. Bởi vậy, hoa chuối nước mặc nhiên được gọi là cây báo lụt.

Ở một nơi khí hậu hà khắc, người dân quê tôi từ bao đời đã biết nhìn cây đoán trời. Một đám cỏ gà đang xanh mà tự nhiên trắng toát thì biết là ít bữa nữa trời mưa. Nhìn cây cỏ gừng, lúc nào thân nó chia làm ba đốt thì nắng, bảy đốt thì mưa. Tre là giống cây không mấy khi ra hoa nhưng hễ tre ra hoa là báo hiệu sắp có lụt lớn.

Lũ trẻ nhỏ cũng bắt đầu khám phá, chiêm nghiệm những bí ẩn kỳ lạ ấy của thiên nhiên. Gà gáy rộ lên xôn xao lúc ban trưa là trời đang mưa, lạnh sẽ bắt đầu hé nắng. Chuồn chuồn bay về từng đàn, lấp xấp dọc bờ mương là trời chuẩn bị lụt.

Bây giờ, người nhà quê có lẽ chẳng cần phải nghe ngóng cây cỏ. Bởi chương trình dự báo thời tiết hằng đêm trên truyền hình chính xác đến từng giờ. Bật lên là biết khi nào mưa, khi nào nắng, khi nào áp thấp. Nhưng loài hoa chuối nước, với cái tên "cúng cơm" mỹ miều “Ngãi tướng quân” vẫn bình thản trắng, miên man hai bờ mương. Dẫu cho câu đồng dao xưa: “Chuồn chuồn có cánh thì bay...” lâu lắm rồi không còn nghe thấy. Và nỗi nhớ thì vẫn thế. Cồn cào khoảnh khắc nín thở, nhón chân, nhẹ tay bắt chuồn chuồn về tránh mưa dưới những hàng tre. Cả cái cảm giác đau nhói ở rốn khi bị chuồn chuồn cắn. Lũ trẻ quê lớn lên đều có một ao ước được bơi ra sông dài, biển rộng với nỗi đau tinh khôi thiếu thời. Cứ phải một lần dũng cảm, nhắm mắt cho chuồn chuồn cắn vào rốn vì lời đồn đại lưu truyền, như thế sẽ biết bơi.

Ngẫm lại cái cảm giác hồi hộp, đau điếng ấy lại không nhịn được cười.

Cười cái sự hồn nhiên ngây thơ của một thời đã trở nên xa ngái...

Tiểu Muội