Đào tạo nghề, chức năng này thuộc về các trường cao đẳng, trường trung cấp nghề. Phần nào đó ở môi trường này hoạt động tương đối chuyên nghiệp, các trang thiết bị phục vụ dạy nghề được trang bị khá đầy đủ. Chẳng hạn như Trường Cao đẳng Du lịch Huế, có cơ sở vật chất đàng hoàng. Trường xây dựng bếp ăn để thực hành chế biến thực phẩm; có nơi thực hành các nghiệp vụ bàn, buồng phòng… Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế là một trường đào tạo nghề quy mô lớn. Mỗi năm đào tạo cả ngàn học viên thuộc nhiều lĩnh vực. Cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng khá đầy đủ. Chuyên nghiệp như vậy, có bề dày như vậy mà vẫn chưa hẳn đào tạo ra được một tỷ lệ cao người lành nghề, huống gì các trung tâm khác.

Ở Thừa Thiên Huế, thấy rất nhiều trung tâm đào tạo nghề nhưng hoạt động khá èo uột. Đó là trung tâm đào tạo nghề của các tổ chức đoàn thể. Công đoàn có trường đào tạo nghề; Hội Nông dân cũng có trung tâm đào tạo nghề; Hội Phụ nữ cũng có trung tâm đào tạo nghề… Các trung tâm này đều được đầu tư xây dựng khá quy mô.
Cách đây mấy năm, có một trường đào tạo nghề được ngành dọc từ TW rót về cho các trang thiết bị tin học, giá trị chừng 5 tỷ đồng. Đưa thiết bị về nhưng không có nơi triển khai nên các thiết bị này nằm “đắp chiếu”. Thời đại thiết bị, máy móc và công nghệ thông tin thay đổi hàng ngày, chắc những thiết bị này nếu có sử dụng thì cũng không còn hiệu quả mấy.
Có thể thấy những trung tâm này hoạt động không mấy hiệu quả ở các khía cạnh sau: đầu tư xây dựng cơ bản với qui mô quá lớn, không phù hợp với năng lực khai thác sử dụng, gây ra lãng phí. Không phải đầu tư là xong, để duy trì hoạt động, phải tốn thêm nhiều khoản đầu tư khác: kinh phí thường xuyên để nuôi bộ máy; rồi kinh phí duy tu bảo dưỡng khi xuống cấp… Nhưng kết quả đào tạo liệu có tương xứng với các hạng mục, máy móc trang thiết bị được đầu tư ?
Để giỏi một nghề, có khi học cả một đời. Ở đây các trung tâm đào tạo nghề thường mở các lớp gọi là tập huấn, hoặc các lớp đào tạo nghề ngắn hạn. Vì ngắn hạn nên chọn các nghề đơn giản, như tập huấn trồng nấm rơm chẳng hạn. Tại sao không chọn những nơi đã phát triển nghề trồng nấm rơm, như ở Phú Lương (Phú Vang) đưa học viên về đó vừa học vừa thực hành có phải dễ tiếp thu, hiệu quả hơn không. Cần gì nông dân phải tập trung lên hội trường ngồi nghe giảng bài. Ở đây chúng ta thấy có sự chồng chéo về chức năng nhiệm vụ. Các trung tâm khuyến nông, lâm, ngư cũng có chức năng hướng dẫn kỹ thuật, phổ biến khoa học kỹ thuật ở lĩnh vực mình phụ trách, ví dụ như trước đây đưa kỹ sư nông nghiệp về “ba cùng” - cùng ăn, cùng ở, cùng làm - với nông dân để tăng năng suất lúa vậy. Thế thì sinh ra trung tâm đào tạo nghề của Hội Nông dân có cần thiết? Trung tâm dạy nghề của Hội Phụ nữ cũng vậy…
Chuyên gia kinh tế nổi tiếng Phạm Chi Lan có một nhận định đại ý rằng, Nhà nước rất có thiển ý khi đầu tư tạo nghề cho 1 triệu lao động ở nông thôn. Nhưng cái cách cứ đào tạo vài tháng ra trường làm sao lành nghề, làm sao kết nối với thị trường?
Ngân sách Nhà nước lo quá nhiều việc, không phải là vô tận. Trong khi đó bội chi ngân sách ngày càng lớn. Tính trên bình diện cả nước, nếu đánh giá lại hiệu quả hoạt động của các trường, các trung tâm đào tạo nghề như nói trên, nếu duy trì thì điều chỉnh quy mô cho phù hợp; hướng vào tự thu, tự chi chứ không bao cấp, có khi tiết kiệm cho Nhà nước cả ngàn tỷ đồng mỗi năm chứ không ít.
Nguyễn Lê