Gọi là con nhông cát hay còn gọi là dông cát cũng được. Cái chữ “cát” đi kèm là để phân biệt với những loại nhông khác kiểu như các loại tắc kè, kỳ nhông thường gặp không sống ở nơi cát trắng. Còn với thằng bạn tôi quê ở vùng cát Vinh Hiền, nơi có nhiều nhông cát thì đó là con mồn hay con mồn mồn. Tôi thắc mắc, nó bảo ở đây ôn mệ tau gọi thế, đó là con mồn hiểu chưa, nghe là sợ hết dám hỏi thêm (!). Cụ Lê Nguyễn Lưu nghe đồn cũng là con rể làng Mỹ Lợi viết địa chí cho làng đưa luôn con nhông cát là một trong bốn đặc sản của làng này gồm: Củ mài, nhông cát, cát thủy tinh và quặng ti tan. Không thể bảo rằng cụ sai nhưng nói một cách chính xác thì làng Mỹ Lợi chỉ là một nơi có nhiều nhông cát mà thôi. Còn con nhông cát, đó là đặc sản, kiểu như con chuột túi của người Úc, của đồi cát mà vùng cát bên kia đầm Cầu Hai và phá Hà Trung là một điểm nhấn đặc biệt.

Dạo ấy tôi thường về Vinh Hiền vào mùa hè nên mới thấy được nhiều nhông cát đến thế. Còn như tầm này, đã sang tháng 11 rồi là thời kỳ “ngủ đông” của loại bò sát này và nghe đâu kéo dài đến tận tháng 3 năm sau. Còn lại mỗi ngày, nhông cát từ hang chui lên mặt cát bắt đầu từ khoảng 5 giờ sáng và lang thang kiếm mồi (và cả dạo chơi nữa) đến tầm 6 giờ tối là trở lại hang. Bọn trẻ ở quê cát có thú vui đi bắt nhông cát và cái hang là nơi đáng để tìm đến, bởi dẫu vào ban ngày thỉnh thoảng vẫn có vài gã nhông cát lưu luyến chạy về hang của nó. Miệng hang nhông cát lộ hẳn trên cát, tựa như hang lươn hay hang cua đồng, nhìn vào thấy liền. Cũng có hang không biết do vô tình hay cố ý được rể cây hay bụi cỏ ngụy trang. Hang đào hơi xiên, sau từ một đến hai mét, phần cuối được khoét rộng ra dùng làm nơi ngủ nghỉ. Bắt nhông cát do vậy không dễ.

Lại càng không dễ săn tìm nhông cát. Bởi ngoài đào hang sâu, nhông cát còn có bản tính nhút nhát. Vừa thấy động là chúng hốt hoảng cảnh giác và lo báo động cho nhau. Trời phú cho loài bò sát này biệt tài chạy nhanh như gió, lại thêm chiếc hang nằm phơi trên cát, nên vừa hút tầm mắt kẻ truy đuổi, nhông cát bất chợt chui tọt vào hang, lúc ấy đúng là chẳng biết nơi đâu mà lần. Lại nữa, nhông cát có thêm tài leo trèo. Khi nhông cát đã trên cây thì xem như bó tay, nhất là gặp chỗ nhiều cây mọc gần nhau, chúng sẽ chuyền từ cây này sang cây khác, thoáng chốc không ai còn thấy hình dạng, mất hút lúc nào không hay. Nhông cát lại có khả năng thay đổi màu da. Với da màu nầu sẫm, con nhông chạy trốn trên cát gần như điệp màu, nhưng gặp biến phải leo lên cây chẳng hạn thì màu da nhanh chóng biến thành xanh giống như màu lá. Không chỉ kẻ truy bắt nhông cát mà cả những con mồi của chúng cũng bị lừa.

Bò nhanh, leo giỏi. Đó như một đặc tính, khả năng tự vệ cần có của loài bò sát sống phơi mình trên những trảng cát, rú cát mênh mông. Chuyện con nhông cát có biệt tài thay đổi màu da cũng thường thôi, nhiều loài vật khác vẫn thế. Lạ nhất chuyện con nhông cát “ngủ đông”. Đời nhông cát ngắn ngủi mà lại “ngủ đông” đến cả nửa năm cũng hơi lạ. Thì ra sống ở trên cát nơi ven biển, mùa mưa đến, gió thổi cát gào, bên ngoài lạnh buốt, loại nhông cát nhút nhát sợ không dám rời khỏi hang kiếm ăn. Mà mùa mưa ở vùng ven biển lại kéo dài, vậy là đời này qua đời khác thành nếp sống, thành thói quen và truyền thống, nhông cát “thà chịu đói chứ không chịu cực”, đã chọn cách núp kỹ trong hang ấm áp. Lâu dần thành quen, không cần ăn uống cả hàng tháng trời mà vẫn sống khỏe. Tôi nghĩ, “ngủ đông” suy cho cùng là kiểu thích nghi để con nhông cát muôn đời nay tồn tại trụ vững và trở thành biểu tượng nơi vùng cát trắng khắc nghiệt và đầy rẫy hiểm nguy.

Lê Thục Đan